Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

GÃY XƯƠNG VÀ CÁCH XỬ TRÍ

GÃY XƯƠNG VÀ CÁCH XỬ TRÍ
 

1. ĐỊNH NGHĨA:
Xương cấu tạo bởi mô liên kết, được làm cứng chắc bởi calcium và tế bào xương. Cấu tạo xương có phần trung tâm mềm hơn được gọi là tuỷ xương nơi tạo máu cho cơ thể. Chức năng chủ yếu của xương là nâng đỡ, vận động và che chở nội tạng.
Gãy xương khi có lực tác động bên ngoài lên xương với lực mạnh hơn sức chịu đựng của cấu trúc xương.
Có nhiều loại gãy xương với độ nặng khác nhau. Độ trầm trọng gãy xương tuỳ thuộc vào:
- Lực tác động gây chấn thương cũng như hướng tác động của nó.
- Loại xương bị chấn thương.
- Tuổi và tình trạng sức khoẻ của nạn nhân.
Vùng gãy xương hay gặp là ở cổ tay, vai, cổ chân và khớp háng…Gãy nơi khớp háng như gãy cổ xương đùi hay xảy ra ở người cao tuổi. Thời gian lành xương tuỳ thuộc vào tuổi cùng với sức khoẻ của bệnh nhân và cũng tùy thuộc loại gãy xương.

2. TRIỆU CHỨNG GÃY XƯƠNG:
Triệu chứng thay đổi theo vị trí gãy xương và cường độ của chấn thương. Triệu chứng gồm có: Đau – Sưng – Dấu bầm tím do tụ máu – Biến dạng chi – Không vận động được chi thể.
Hình 1:Gãy xương cẳng chân
3. CÁC LOẠI GÃY XƯƠNG:
  • Gãy cành tươi: xương gãy không hoàn toàn, thường thấy ở trẻ con do xương còn mềm dẽo hơn xương người lớn. (hình 1)
  • Gãy nhiều mảnh: xương bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, thường loại gãy này xương liền với tốc độ chậm hơn bình thường. (hình 3)
  • Gãy xương kín: phần da bên ngoài ổ gãy xương còn nguyên vẹn.
  • Gãy xương hở: phần da bên ngoài bị thủng, có thể do đầu xương gãy đâm ra da hoặc lực gây chấn thương làm rách da. Nguy cơ nhiễm khuẩn của loại gãy hở này cao hơn bình thường. (hình 4).
  • Gãy xương bệnh lý: xương bị yếu do bệnh có sẳn như loãng xương hay cancer, chỉ lực tác động nhẹ cũng đủ gây gãy xương.
  • Gãy mảnh nhỏ xương do co giật cơ: Các thớ cơ bám chặt vào xương bằng tổ chức đặc biệt gọi là gân. Khi cơ co thắt mạnh làm giật gân ra khỏi xương kèm theo mảnh nhỏ xương bám vào. Hiện tượng này hay xảy ra ở vùng khớp gối và khớp vai.
  • Gãy xương kiểu nén ép: Xảy ra khi hai xương va chạm nhau, hay thấy ở các đốt xương sống, khi ấy xương gãy bị ép ngắn lại. Ở người cao tuổi, đặc biệt có loãng xương thì hay bị nguy cơ gãy theo kiểu này.
Hình 2:Gãy xương cành tươi Hình 3: Gãy ngang 2 xương cẳng chân
Hình 4: Gãy xương phức tạp Hình 5: Gãy hở

4. BIẾN CHỨNG GÃY XƯƠNG:
  • Mất máu: Xương được cấp máu nuôi dồi dào nên gãy xương đôi khi có thể làm chảy máu và mất lượng máu đáng kể.
  • Tổn thương cơ quan nội tạng: như tổn thương não do vỡ hộp sọ hay tổn thương tim phổi do gãy các xương sườn.
  • Rối loạn phát triển xương: Gãy xương dài ở trẻ em nơi vị trí các đầu xương dễ làm tổn thương sụn tăng trưởng làm xương về sau phát triển chiều dài không bình thường. Xương có thể dài hơn và trục xương bị lệch.
5. CẤP CỨU GÃY XƯƠNG Ở HIỆN TRƯỜNG:
Xử trí gãy xương ban đầu quan trọng là bất động ổ gãy xương, vì di động nơi xương gãy gây đau, chảy máu và tổn thương thêm mô mềm xung quanh, như làm tổn thương mạch máu và thần kinh, làm việc điều trị càng phức tạp hơn.
Một số gợi ý cấp cứu khi nghi ngờ có gãy xương:
  • Không di chuyển bệnh nhân khi chưa có chuẩn bị phương tiện an toàn. Cụ thể như khi có vỡ xương sọ, gãy xương đốt sống, xương sườn, xương chậu, xương dài chi trên hay chi dưới…
  • Chú ý các trường hợp gãy xương có vết thương chảy máu. Cần phải cầm máu bằng cách ấn chặt vào vết thương bằng băng gạc sạch. Trường hợp có xương chồi ra ngoài da thì ấn chặt ở rìa vết thương.
  • Khi vết thương hết chảy máu thì băng vết thương lại.
  • Không được thử kéo thẳng chi gãy nếu chưa được huấn luyện.
  • Xương gãy cần cố định, nâng đở, cố định tạm thời để hạn chế di động ổ gãy. Phương tiện sử dụng đa dạng có thể là thanh gỗ, bìa cứng các tông, che chắn cho êm. Thường phải cố định cả hai khớp phía trên và phía dưới xương gãy. (hình 6)
  • Đôi khi chỉ cố định đơn giản bằng băng đeo vòng cổ, trường hợp gãy ở vùng vai hay xương đòn. (hình 14)
  • Nếu được thì ổ gãy nên để cao hơn vị trí trái tim và chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng. (hình 7)
  • Gọi điện thoại xe cấp cứu.
  • Không được ăn hay uống gì cho đến khi gặp bác sĩ vì có khi cần phải mổ cấp cứu.
Hình 6:Cố định tạm bằng nẹp Hình 7: Chườm lạnh ổ gãy xương
6. CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ GÃY XƯƠNG:
Gãy xương được chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh: Xquang, chụp định vị vi tính (chụp CT) và chụp cộng hưởng từ (chụp MRI).
Xương gãy sẽ lành theo tiến trình nội tại của cơ thể. Thầy thuốc chỉ giúp cho các mảnh xương gãy được sắp xếp đúng vị trí. Chụp Xquang theo định kỳ để theo dõi diễn biến lành xương.

Tuỳ theo tính chất của gãy xương, việc điều trị có thể sử dụng các phương tiện sau:
  • Mang nẹp cố định chi gãy
  • Băng bột nhằm nâng đở và cố định xương gãy. (hình 13)
  • Kéo liên tục xương gãy nhằm giữ xương thẳng trục và không bị co rút. Tuy nhiên phương pháp này hiện nay ít sử dụng cho người lớn, có thể áp dụng cho gãy xương đùi ở trẻ nhỏ.(hình 8)
  • Phẫu thuật nắn xương và sử dụng “cố định ngoài”. (hình 9 và 10).
  • Phẫu thuật kết xương bên trong bằng các phương tiện như đinh nội tủy hoặc nẹp vít, hiện đang được sử dụng phổ biến. (hình 11 và 12)
  • Điều trị giảm đau.
Hình 8:Kéo tạ liên tục
Hình 9:Gãy xương cẳng chân Hình 10: Sau mổ 6 tuần
được “cố định ngoài
Hình 11:Gãy hai mắt cá cổ chân phải Hình 12: kết xương bằng nẹp vít
7. THEO DÕI NGAY SAU ĐIỀU TRỊ:
Cần theo dõi cảm giác và vận động ngón tay hay ngón chân sau bó bột hoặc phẫu thuật. Xem đầu chi có bị đau buốt, lạnh và tím không?
Cho thuốc giảm đau; cần xác định đau ở ổ gãy xương hoặc đau do các nguyên nhân khác như cấn bột hay nẹp, do kéo liên tục, do xương còn chưa thẳng trục hoặc do phù nề sau phẫu thuật hoặc bó bột.
Hình 13:Băng bột đùi bàn chân                                         Hình 14: Băng treo tay

8. TỰ CHĂM SÓC BỘT TẠI NHÀ:
Tự chăm sóc tại nhà theo sự hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ. Tuy nhiên có một số gợi ‎ chung như sau:
  • Trường hợp bó bột thì tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt như bình nước nóng…
  • Chi gãy cần được nghĩ ngơi mới lành xương được.
  • Cần được hướng dẫn khi di chuyển như tập đi nạng đúng qui cách.
  • Không mang vật nặng cũng như lái xe khi xương chưa lành hoàn toàn.
  • Nếu bị ngứa trong bột thì không được chọc bằng vật nhọn vào bên trong da; khi ấy cần thổi luồng khí mát lên bột (như máy sấy tóc!)
  • Tránh không để bột bị ướt vì khi bột bị ướt sẽ mềm không đủ sức giữ cố định xương gãy. Ngoài ra bột ướt còn làm kích thích da. Do đó, khi tắm cần phải che chắn bột bằng bao xốp.
  • Cần khám bác sĩ ngay nếu cảm thấy đầu ngón tay hoặc ngón chân bị sưng, đau buốt, tê bì, da bị tím.
9. TIẾN TRÌNH LÀNH XƯƠNG:
Cục máu đông hình thành nơi đầu xương gãy sẽ bắt đầu cho tiến trình liền xương. Thường sau 5 tuần, hai đầu xương bắt đầu dính lại nhờ vào tổ chức xơ và sụn. Cầu nối xơ sụn này chỉ tạm thời và dễ gãy. Cần phải nhiều tháng (3-4 tháng) thì can xương mới trở nên cứng chắc bình thường.
Do bất động chi gãy lâu, nên cơ vùng gãy xương bị yếu đi và teo nhỏ lại. Sau khi xương lành chắc cần phải tập luyện vật lý để phục hồi lực cơ và biên độ vận động khớp.



Add: P.B - K.Chấn Thương Chỉnh Hình -BVT Đắk Lắk
Hotline: 0500.3500.115
Mobile : 0902.37.47.47 - 0905.149.777
Fax : +845003890662

1 nhận xét: