Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

GÃY XƯƠNG CẲNG CHÂN-CHẨN ĐOÁN,HƯỚNG ĐIỀU TRỊ

Gãy xương cẳng chân-chẩn đoán,hướng điều trị

...
Gãy cẳng chân là gãy một hoặc hai xương cẳng chân, bao gồm tất cả các loại gãy đi từ mâm chày tới mắt cá chân. Trong khuôn khổ bài này chỉ đề cập đến gãy thân 2 xương cẳng chân, là loại gãy dưới nếp gấp gối 5 cm và trên nếp gấp cổ chân 5cm.
Đặc điểm giải phẫu hai xương cẳng chân liên quan đến các biến chứng, tiên lượng
gãy cẳng chân
Xương cẳng chân
  • Vùng cẳng chân có hai xương: xương chầy to, xương mác nhỏ. Gãy cẳng chân thường gãy cả hai xương, cũng có thể chỉ gãy một xương.
  • Xương chầy là hình lăng trụ tam giác với mào chày ở phía trước nằm sát da, khi xuống 1/3 dưới là hình trụ tròn nên đây là điểm yếu rất dễ bị gãy.
  • Mạch nuôi xương càng xuống thấp càng nghèo nàn ( 1/3 dưới), khi gãy vùng này xương khó liền.
  • Các khối cơ bố trí quanh xương không đồng đều, phía sau có khối cơ chắc khoẻ, phía trước không có cơ mà ngay dưới da là xương vì vậy khi gãy rất dễ bị lộ xương.
  • Cẳng chân có bốn khoang. Cấu tạo các khoang hẹp, thành khoang chắc vì vậy khi có phù nề, chảy máu trong khoang dễ gây hội chứng chèn ép khoang-một biến chứng nguy hiểm, nguy cơ cụt chân cao.
  • Gãy cao dễ gây chèn ép khoang, gãy thấp dễ dẫn đến gãy hở.
Cơ chế gãy xương
  • Cơ chế chấn thương trực tiếp: chủ yếu gây gãy xương hở (có vết thương, qua đó ổ gãy xương thông thương với môi trường bên ngoài).
  • Cơ chế chấn thương gián tiếp: xương gãy chéo, xoắn.
  • Tổn thương phần mềm trong chấn thương trực tiếp thường nặng nề hơn chấn thương gián tiếp.
TỔN THƯƠNG GIẢI PHẪU BỆNH
Tổn thương xương. Tuỳ thuộc vào cơ chế chấn thương, nguyên nhân tai nạn
  • Có thể gãy cả hai xương hoặc chỉ gãy một xương
  • Gãy đơn giản: gãy đôi ngang, gãy chéo.
  • Gãy phức tạp: gãy nhiều mảnh, nhiều tầng.
  • Hay gãy ở vị trí 1/3 dưới (điểm yếu của xương).
Tổn thương phần mềm
Gãy 2 xương cẳng chân rất dễ bị bong lóc da, cơ. Nhiều trường hợp gãy kín, nhưng sau 24 – 48 giờ, phần mềm hoại tử, lộ xương gãy.
Gãy hở cẳng chân rất hay gặp trong cấp cứu chấn thương, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn hãy kín.
Tùy theo mức độ tổn thương phần mềm, gãy xương hở chia 3 độ (theo Gustilo):
  • Độ I: gãy hở mà vết thương (VT) phần mềm nhỏ < 1cm, VT gọn, sạch, thường là loại gãy hở do đầu xương bên trong chọc ra.
  • Độ II: gãy hở mà VT lớn >1cm đến 10cm, VT gọn, sạch.
  • Độ III: là loại gãy hở rất nặng, tỷ lệ cắt cụt chi cao khoảng15%.
+ Độ IIIa: VT rộng, phần mềm dập nát nhiều nhưng xương còn được che phủ một cách thích hợp.
+ Độ IIIb: mất rộng phần mềm, lộ cả một đoạn xương ra ngoài. Khi cắt lọc VT, muốn che xương phải chuyển vạt cơ hoặc vạt da – cân để che.
+ Độ IIIc: vừa dập nát phần mềm vừa tổn thương mạch máu và thần kinh.
Tổn thương mạch, thần kinh
Gãy thân xương cẳng chân có thể kèm theo tổn thương mạch, thần kinh  vùng chẳng chân. Gãy cao (gần mâm chầy hoặc kèm gãy mâm chầy) dễ gây hội chứng chèn ép khoang.
BIẾN CHỨNG
Biến chứng ngay
  • Sốc chấn thương, đặc biệt ở gãy xương hở.
  • Tổn thương mạch , thần kinh.
  • Hội chứng chèn ép khoang. Đây là một biến chứng nguy hiểm, nguy cơ cụt chân cao
Biến chứng sớm
  • Nhiễm khuẩn, nặng nhất là hoại thư sinh hơi.
  • Rối loạn dinh dưỡng kiểu Sudex: cẳng chân sưng nề, nổi nhiều nốt phỏng nước ở da.Từ các nốt phỏng nước này có thể dẫn đến nhiễm trùng vào sâu trong xương.
Di chứng
  • Chậm liền: sau 4-5 tháng mà xương không liền.
  • Khớp giả: ngoài 6 tháng mà xương không liền. Cần mổ ghép xương và cố định lại xương.
  • Can lệch gây nên ngắn chi, lệch trục chi, làm bệnh nhân không đi lại được. Mổ sửa trục khi xoay trong quá 5 độ, xoay ngoài quá 10 độ, chi ngắn quá 2cm.
  • Viêm xương, nhất là sau gãy xương hở , điều trị rất phức tạp và tốn kém.
BIỂU HIỆN LÂM SÀNG VÀ PHIM X-QUANG
Để chẩn đoán xác định, dựa vào dấu hiệu lâm sàng và X quang, thường là dễ chẩn đoán.
Lâm sàng
  • Sau tai nạn bệnh nhân rất đau vùng gãy xương, có thể gây sốc.
  • Mất cơ năng của cẳng chân.
  • Gấp góc ở cẳng chân.
  • Sờ thấy đầu xương gãy di lệch ngay dưới da, có tiếng lạo xạo xương.
  • Cẳng bàn chân xoay đổ ra mặt giường.
  • Cẳng chân cử động bất thường
Chụp phim Xquang
Chụp X quang để chẩn đoán loại gãy ( đơn giản hay phức tạp), sự di lệch của của ổ gãy. Phim chụp phải lấy được cả 2 khớp (khớp gối và cổ chân).
ĐIỀU TRỊ
sơ cứu
  • Chân gãy phải được bất động tạm thời bằng nẹp hoặc bột.
  • Giảm đau bằng các loại thuốc: morphin 0,01g, Feldène 20 mg
  • Bù dịch nâng huyết áp nếu có dấu hiệu sốc.
  • Tiêm phòng uốn ván, kháng sinh toàn thân từ đầu nếu gãy hở
Đối với gãy kín (không có vết thương)
Điều trị bảo tồn
  • Bó bột đối với những trường hợp gãy không di lệch hoặc một số trương hợp di lệch ít
  • Nắn kéo bằng tay hoặc nắn trên khung Boehler rồi bó bột đùi – cẳng – bàn chân để gối gấp nhẹ 20 độ, thay bột thẳng sau 3 tuần, bột ôm gối ( Sarmiento) sau 6 tuần, để bột trong 3 tháng. Chăm sóc chi sau bó bột và hướng dẫn tập luyện
  • Kéo liên tục khi gãy phức tạp thành nhiều mảnh nhỏ, trong 2- 3 tuần rồi chuyển sang bó bột.
  • Với trẻ nhỏ, hầu hết điều trị bằng bảo tồn.
Điều trị phẫu thuật
Chỉ định  khi gãy hai xương cẳng chân có di lệch ở người lớn. Với trường hợp gãy không di lệch hoặc ít di lệch, cân nhắc khi chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật mở ổ gãy (mổ mở)
  • Đóng đinh nôị tuỷ có chốt hoặc không có chốt.
  • Đặt nẹp vít AO cố định chắc, nhưng dễ tổn thương màng xương.
Phẫu thuật không mở ổ gãy
Đinh nội tuỷ dưới màn huỳnh quang tăng sáng. Ưu điểm là ít gây tổn thương các yếu tố nuôi dưỡng của xương, dễ liền xương, ít có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Đối với gãy hở
  • gãy hở độ I: điều trị như gãy kín
  • gãy hở độ II,III: mổ cấp cứu xử lý vết thương phần mềm, cố định xương, tốt nhất bằng khung cố định ngoài.
  • riêng gãy hở IIIc: ngoài xử lý tốt vết thương phần mềm, quan trọng hơn là xử lý nhanh, sớm tổn thương mạch máu, thần kinh kèm theo.
Sau mổ
Tùy theo tính chất gãy xương, phương pháp phẫu thuật được áp dụng mà có chương trình tập luyện khác nhau. Bệnh nhân cần tái khám đều đặn sau mổ và hỏi ý kiến bác sĩ khi bỏ nạng, đi lại có tỳ chân…
Th.S Dương Đình Toàn

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH NHÂN SAU PHẪU THUẬT THAY KHỚP HÁNG NHÂN TẠO
PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV 103
1. Đại cương
1.1. Giải phẫu khớp háng
Hình 1: Khớp háng phải bình thường, khớp háng trái bị hư chỏm khớp
Khớp háng là khớp nối liền giữa xương đùi và xương chậu, là khớp lồi cầu - ổ cối, trong đó chỏm xương đùi có hình cầu di động xoay tròn trong ổ cối (hõm khớp ở xương chậu).
 Ổ cối nhìn ra phía trước ngoài và phía dưới một góc 150 và 450, trong khi cổ và chỏm xương đùi quay vào trong ra trước 150. Sụn khớp của ổ chảo có hình móng ngựa, dày nhất ở phía trên do phải chịu lực nặng khi di chuyển (1,75mm - 2,5mm) chỗ mỏng nhất ở phía sau trong (0,75mm - 1,25mm). Ổ cối có sụn viền giống như là sụn viền khớp vai. Sụn viền làm cho ổ cối sâu hơn và tạo cho khớp háng được vững hơn. Sụn viền rộng nhất ở phía sau dưới của ổ cối (6,4 mm ± 1,7mm) và dày nhất ở phía trên trước của ổ cối (5,5 mm ± 1,5mm).
Chỏm xương đùi có cấu trúc 2/3 hình cầu nhưng không hoàn toàn tròn như hình cầu với đường kính từ 40mm - 52mm ở người châu Á và từ 45mm - 56mm ở người châu Âu. Chỏm xương đùi được bao bởi một lớp sụn khớp, trừ vùng có dây chằng tròn, nơi dày nhất (khoảng 2,5mm) ở phía trên trong hơi ra sau là nơi chịu lực khi hoạt động. Đặc điểm của chỏm là có một vùng phía trong để gắn dây chằng tròn dính vào trong ổ chảo nơi đó có chứa nhiều mô sợi sụn và các mạch máu, các dây thần kinh từ thần kinh bịt. Chỏm và cổ xương đùi được nuôi bằng các động mạch nhỏ từ động mạch mũ đùi ngoài và trong đi dọc sát ngoài cổ vào trong xương nơi tiếp giáp sụn chỏm và cổ xương đùi.
Cổ xương đùi dài khoảng từ 3cm - 5cm ở người lớn và có góc cổ thân 125 ± 50 ở người trưởng thành và góc này lớn hơn khi mới sinh ra (1500). Ở mặt phẳng ngang cổ xương đùi có độ lệch ra trước 150.
Không giống như khớp kiểu bản lề như khớp gối chỉ cử động hai hướng là gấp và duỗi, khớp háng chuyển động nhiều hướng: gấp duỗi, dạng khép, xoay trong xoay ngoài. Biên độ vận động lớn nhưng khớp háng không dễ trật vì có hệ thống dây chằng bao khớp, đặc biệt là hệ thống cơ quanh khớp rất chắc, khỏe. Hệ thống cơ này giúp khớp háng thực hiện được nhiều động tác như: đi, chạy, ngồi, bước lên, xuống cầu thang…
1.2. Chỉ định và chống chỉ định thay khớp háng nhân tạo
1.2.1. Chỉ định
- Viêm khớp gây biến dạng và dính khớp, hạn chế vận động nặng và đau khi đi lại, có thể gặp do:
+ Viêm khớp dạng thấp.
+ Viêm khớp dạng thấp ở người trẻ tuổi (bệnh Still).
+ Các bệnh thoái hóa khớp nguyên phát, hoặc thứ phát: trượt chỏm xương đùi, trật khớp háng hoặc thiểu sản ổ cối bẩm sinh, di chứng bẹt chỏm xương đùi do bệnh Legg - Perthes - Calvé, bệnh Paget, trật khớp do chấn thương, vỡ ổ cối, thoái hóa khớp do bệnh ưa chảy máu (Haemophilia).
- Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, gặp do:
+ Sau gẫy cổ xương đùi hoặc sai khớp háng.
+ Hoại tử chỏm không rõ nguyên nhân.
+ Do trượt chỏm xương đùi.
+ Các bệnh hemoglobulin (bệnh hồng cầu hình liềm...).
+ Do sử dụng corticoid kéo dài.
+ Do nghiện rượu.
+ Bệnh giảm áp (bệnh Caisson: tắc mạch cấp do khí ở thợ lặn).
- Không liền xương sau gãy cổ xương đùi hay gãy khối mấu chuyển kèm hoại tử chỏm.
- Sau viêm khớp mủ hoặc viêm xương - khớp đường máu hay sau mổ.
- Sau lao khớp háng.
- Sai khớp hoặc bán sai khớp háng bẩm sinh.
- Dính khớp hoặc khớp giả.
- Sau khi các thủ thuật tái tạo khớp háng khác đã được thực hiện nhưng bị thất bại như: cắt xương chỉnh hình, bọc chỏm bằng mũ kim loại, thay chỏm bán phần hoặc đã thay khớp háng toàn bộ nhưng thất bại, mổ tái tạo diện khớp...
- U đầu trên xương đùi hay ổ cối.
- Dị tật di truyền: ví dụ bệnh loạn sản sụn.
Người bệnh do đau đớn không thể chịu đựng được, do dính khớp làm hạn chế vận động trở nên tàn phế nên vấn đề thay khớp háng nhân tạo được đặt ra. Sau khi được thay, kết quả lý tưởng đạt được là người bệnh hết đau, trở lại sinh hoạt và lao động như bình thường, thậm chí chơi cả thể thao. Đối với các dị tật bẩm sinh hoặc di truyền nặng, người bệnh ít nhất cũng thoát khỏi cảnh phải bám chặt vào xe lăn khi muốn di chuyển, dáng đi sẽ đẹp và nhẹ nhõm hơn.
1.2.2. Chống chỉ định thay khớp háng
- Chống chỉ định tuyệt đối:
+ Đang có nhiễm khuẩn tại chỗ khớp háng hoặc nhiễm khuẩn toàn thân.
+ Người bệnh có rối loạn đông máu, chảy máu.
+ Khả năng sống của người bệnh ngắn như ung thư giai đoạn cuối, suy gan suy tim, suy thận nặng.
+ Người bị liệt nữa người bên khớp háng tổn thương.
- Chống chỉ định tương đối (cân nhắc khi lựa chọn thay khớp háng nhân tạo):
+ Hạn chế thay khớp háng cho người trẻ tuổi vì khớp háng nhân tạo có tuổi thọ nhất định, sau thời gian nào đó lại phải thay lại lần hai hay ba, những lần mổ sau sẽ khó khăn và nguy cơ tai biến và biến chứng cao hơn. Khớp háng nhân tạo không cho phép người trẻ tuổi chơi thể thao hay làm việc nặng. Do vậy bằng mọi cách nên kéo dài thời gian sử dụng khớp háng thật càng lâu càng tốt cho đến khi không còn dùng được nữa.
+ Người không có khả năng kiểm soát hành vi của mình, khi đó bệnh nhân sẽ không tuân thủ các lời dặn của bác sĩ và nguy cơ sai khớp sẽ rất lớn.
1.4. Các loại khớp háng nhân tạo
- Khớp háng toàn phần hay bán phần:
Khớp háng bình thường gồm hai phần là chỏm xương đùi và ổ cối nằm trong xương chậu. Khi phẫu thuật chỉ thay phần chỏm xương đùi thì được gọi là thay khớp háng bán phần, còn khi thay cả chỏm xương đùi và ổ cối thì được gọi là thay khớp háng toàn phần.
Thời kỳ đầu, việc thay chỏm xương đùi chỉ gồm chỏm nhân tạo gắn liền với chuôi khớp (chỏm Moore) nên sự linh động không cao. Các thế hệ hiện nay, khớp háng bán phần gồm nhiều phần cấu trúc (module) liên kết với nhau, cho phép vận động linh hoạt hơn (khớp Bipolar). Loại này sở dĩ được gọi là lưỡng cực hay bán phần vì có một chỏm nhỏ hơn gắn chặt với chuôi nhưng chỏm di động được với một ổ chảo nhân tạo, ổ chảo này chính là chỏm lớn có khả năng di động trong ổ chảo thật của bệnh nhân.
        Thay Khop Hang3 
            a                                b
Hình 2: Khớp háng bán phần: chỏm Moore (a), và chỏm bipolar (b)
- Khớp háng có xi măng hay không có xi măng:
Việc gắn khớp nhân tạo với xương bệnh nhân ở những thế hệ khớp ban đầu là xi măng sinh học. Bên cạnh việc cải tiến chất lượng xi măng thì việc phát minh ra các thế hệ khớp không xi măng với cấu trúc đặc biệt của bề mặt giúp tạo sự liên kết chặt giữa xương bệnh nhân và khớp nhân tạo nhờ sự phát triển của xương bệnh nhân bao quanh khớp nhân tạo.
Thay Khop Hang4
Hình 3: khớp háng nhân tạo bán phần có xi măng
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau quanh việc sử dụng xi măng hoặc không xi măng mà thậm chí còn tạo thành trường phái ở một số khu vực khác nhau. Trong đó, khớp không xi măng có xu hướng được sử dụng ở người trẻ mật độ xương còn tốt, khớp xi măng có xu hướng được sử dụng nhiều hơn ở những bệnh nhân có mật độ xương thấp, thường gặp ở những bệnh nhân cao tuổi.
Thay Khop Hang2       
Hình 4: Khớp háng nhân tạo toàn phần không xi măng
- Khớp háng bằng nhựa, kim loại hay gốm (ceramic):
Các cải tiến về chất liệu của chỏm nhân tạo và lớp lót của ổ cối diễn ra liên tục nhằm mục đích nâng cao tuổi thọ của khớp. Những thế hệ đầu tiên với chỏm kim loại và ổ cối nhựa có khả năng chống mài mòn thấp nên tuổi thọ ngắn. Ngày nay, chất lượng nhựa và kim loại liên tục được cải tiến giúp khả năng chống mài mòn tăng cao, bên cạnh đó còn sử dụng những vật liệu có khả năng chống mài mòn cao như gốm (ceramic) làm tăng tuổi thọ của khớp nhân tạo lên rất nhiều. Với khớp háng nhân tạo có lớp lót gốm thì cả chỏm khớp và lớp lót ổ cối đều bằng gốm. Có những giai đoạn, ý tưởng về việc sử dụng lớp lót ổ cối và chỏm khớp đều bằng kim loại để tăng khả năng chống mài mòn, tuy nhiên các nghiên cứu về sau cho thấy có sự tăng lượng ion kim loại trong máu bệnh nhân do giải phóng từ diện tiếp xúc của khớp nhân tạo, điều này không có lợi cho sức khỏe bệnh nhân nên hiện nay gần như không còn sử dụng.
- Khớp háng với đường kính chỏm nhân tạo khác nhau:
Đường kính của chỏm nhân tạo khớp háng toàn phần ở những thế hệ ban đầu là 22,5mm. Đường kính của chỏm nhân tạo liên quan đến 2 yếu tố: khả năng sai khớp nhân tạo và sự mài mòn ổ cối. Nếu chỏm nhân tạo nhỏ thì diện tiếp xúc thấp nên sự mài mòn ít nhưng khả năng sai khớp nhân tạo cao. Ngược lại, chỏm nhân tạo lớn thì diện tiếp xúc nhiều, sự mài mòn nhiều nhưng khả năng chống sai khớp cao hơn. Hiện nay, với sự cải tiến về vật liệu giúp tăng khả năng chống mài mòn thì xu thế sử dụng các loại chỏm có đường kính lớn phổ biến hơn với hai loại chỏm có đường kính 28mm và 32mm là phổ biến nhất, ngoài ra có thể có chỏm đường kính 36mm. Tuy nhiên, việc sử dụng chỏm có đường kính bao nhiêu còn phụ thuộc vào yếu tố giải phẫu mà cụ thể là đường kính của ổ cối bệnh nhân. 
Như vậy, với sự xem xét các loại khớp háng nhân tạo theo 4 tiêu chí trên có thể bao hàm tất cả các loại khớp háng nhân tạo hiện đang sử dụng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, việc sử dụng loại khớp nào do bác sĩ phẫu thuật quyết định dựa trên nhiều yếu tố khác nhau. Có những trường hợp bệnh nhân có thể có nhiều sự lựa chọn về khớp, nhưng có những trường hợp sự lựa chọn sẽ hạn chế hơn.
1.5. Biến chứng có thể gặp sau thay khớp háng nhân tạo
- Tắc mạch: do hình thành những cục máu đông trong lòng mạch sau mổ thay khớp. Có thể do ít vận động bên chân bị mổ hoặc do chấn thương mạch máu trong quá trình phẫu thuật. Vì vậy bệnh nhân cần vận động chân mổ sớm ngay sau khi hết tác dụng của thuốc mê. Hiện tượng tắc mạch thường gặp ở những nước châu Âu, ít gặp hơn ở các nước châu Á.
- Nhiễm trùng: Có thể chỉ là nhiễm trùng nông vùng vết mổ, có thể nhiễm trùng sâu bên trong khớp, tỉ lệ nhiễm trùng nói chung khoảng 1%. Nhiễm trùng sớm xảy ra trong thời gian đầu sau mổ, có trường hợp nhiễm trùng muộn xảy ra sau mổ vài năm do vi khuẩn di chuyển theo đường máu từ một ổ nhiễm trùng khác trong cơ thể lan đến khớp háng. Dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, có khi phải mổ cắt lọc, súc rửa vết thương nhiều lần để điều trị những trường hợp nhiễm trùng sâu. Có những trường hợp kéo dài dai dẳng phải mổ lấy khớp nhân tạo ra, sau một thời gian ổn định sẽ mổ thay lại khớp khác.
- Sai khớp: Tỉ lệ sai khớp trung bình từ 1 - 3 %, tuỳ theo lọai khớp nhân tạo, đường mổ, trình trạng sức khoẻ của người bệnh, kinh nghiệm của phẫu thuật viên mà tỉ lệ trật khớp sẽ khác nhau. Người bệnh nên tránh những tư thế dễ làm sai khớp như gập háng quá 900, bắt chéo chân bên chân có khớp nhân tạo, ngồi xổm, xoay trong đùi… Nếu xảy ra trật khớp, cần nắn lại khớp và bó nẹp bất động một thời gian, hiếm khi phải mổ đặt lại khớp nhân tạo.
Hình 5: Sai khớp háng nhân tạo
Những người được thay khớp háng sẽ có thiệt thòi là họ không thể ngồi xổm, không thể ngồi ghế thấp (ghế làm cho háng gấp hơn 900), không thể ngồi bắt tréo chân vì nguy cơ bị trật khớp háng nhân tạo luôn rình rập. Cho dù có nhiều thế hệ khớp háng mới ra đời nhưng nguy cơ trật khớp háng nhân tạo vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn.
- Lỏng khớp: Theo thời gian, sự kết dính giữa khớp nhân tạo với xương của người bệnh sẽ bị yếu đi, khớp nhân tạo sẽ bị lỏng. Lúc đó người bệnh sẽ đau khi đi đứng chịu lực lên chân có khớp nhân tạo. Tuổi thọ trung bình của khớp nhân tạo là 15 năm, có khi 10 năm nhưng cũng có khi kéo dài đến 20 năm. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như loại khớp nhân tạo, kỹ thuật mổ, chất lượng xương của người bệnh… Nếu khớp bị lỏng nhiều thì phải mổ thay lại một khớp khác.
- Lệch chi: Trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên cố gắng cân bằng chiều dài 2 chân, tránh hiện tượng lệch chi. Mức lệch cho phép 1-2 cm. Tuy nhiên nếu phẫu thuật viên chuẩn bị trước mổ đầy đủ, đo kích cỡ khớp nhân tạo chính xác thì hạn chế được biến chứng lệch chi.
- Gẫy khớp nhân tạo: xảy ra khi có chấn thương mạnh.
Hình 6: Gãy cổ khớp háng nhân tạo
- Cứng khớp: Phần mền xung quanh khớp bị xơ cứng, vôi hóa làm hạn chế vận động của khớp háng nhân tạo. Quá trình xơ hoá này còn gọi là “xương mọc lạc chổ”, thường không gây đau đớn mà chỉ làm cứng khớp háng. Nếu người bệnh có yếu tố nguy cơ bệnh “xương mọc lạc chổ” thì nên báo cho bác sỹ biết để cho thuốc uống hoặc dùng tia xạ điều trị dự phòng
2. Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo
Chương trình tập được trình bày dưới đây đã được Hà Hoàng Kiệm và Lương Anh Thơ xây dựng dựa trên các khuyến cáo của các Hội chấn thương - chỉnh hình Mỹ và Úc và đã ứng dụng trong một nghiên cứu tiến cứu, can thiệp theo dõi dọc, có đối chứng ở 60 bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp háng tại bệnh viện 175 và trung tâm chấn thương – chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh thu được kết quả tốt và đảm bảo an toàn đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc.
2.1. Trước phẫu thuật
Khớp háng là một khớp lớn, có tầm vận động rộng và phải chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể. Khớp háng có được sự vững chắc là nhờ hệ thống dây chằng, bao khớp và hệ thống cơ vận động khớp háng là khối cơ mông, cơ đùi khỏe. Trước mổ do tình trạng đau, chân ít vận động trong nhiều tháng nhiều năm gây nên tình trạng teo cơ vùng mông, đùi, làm cho cơ yếu hơn bình thường. Để chức năng khớp háng sau mổ được phục hồi tốt nhất, người bệnh cần được tập phục hồi chức năng trước mổ và tập sớm, đúng cách ngay sau mổ. Nguy cơ trật khớp háng sẽ cao nhất trong 6-8 tuần đầu sau mổ. Để tránh nguy cơ này, trước mổ người bệnh cần được hướng dẫn các tư thế cần tránh sau mổ. Trước mổ cần thực hiện các nội dung sau:
- Tập thở bụng.
- Tập tăng sức mạnh cơ:
+ Tập tăng sức mạnh cơ mông: co cơ mông tĩnh chủ động, bệnh nhân nằm ngửa, gồng cơ mông (ép hai mông lại gần nhau) trong vòng 5-10 giây, lặp lại 15-10 lần.
+ Tập cơ tứ đầu: nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng. Duỗi chân hết mức từng bên (gồng cơ tứ đầu) và giữ trong 5 giây, thả lỏng 5 giây rồi lặp lại. Tập trong vòng 10 phút.
+ Tập động tác cầu vồng: nằm ngửa, hai chân co. Từ từ nâng mông lên khỏi mặt giường, giữ trong vòng 5 giây, lặp đi lặp lại trong vòng 15-20 lần.
Tập để làm mạnh sức cơ trước mổ giúp cho sau mổ sức cơ phục hồi nhanh hơn và làm vững khớp nhân tạo giúp cho vận động sớm sau mổ.
- Tập đi: hướng dẫn bệnh nhân tập đi với khung tập đi, với hai nạng nách và phương pháp đi 3 điểm.
- Giải thích cho bệnh nhân biết các động tác dễ gây trật khớp háng nhân tạo sau mổ cần phải tránh, đó là:
+ Không bắt chéo chân mổ sang bên chân lành.
+ Không ngồi thấp, háng gấp quá 900.
+ Không xoay chân mổ vào trong.
2.2. Sau phẫu thuật
Phẫu thuật thay khớp háng là một phẫu thuật lớn kéo dài từ 2 đến 3 giờ. Sau khi phẫu thuật xong, người bệnh được chuyển đến nằm săn sóc tại phòng hồi sức từ 6 giờ đến 12 giờ. Ngày nay quan điểm về thay khớp đã thay đổi, tập phục hồi chức năng càng sớm càng dễ đạt được tầm vận động khớp tối đa và tránh được các biến chứng do nằm lâu.  Chính vì vậy mà người bệnh phải bắt đầu tập luyện ngay khi tỉnh dậy trong phòng hồi sức. Tập luyện sớm còn giúp tăng tuần hoàn, giảm sưng phù chân mổ, tránh biến chứng tắc mạch. Bệnh nhân cần tập hai lần trong một ngày, mỗi lần tập khoảng 30 phút. Ngày đầu ngay sau khi tỉnh lại, người bệnh được tập các bài tập tại giường, được phép ngồi dậy. Ngày thứ hai người bệnh được hướng dẫn cách thức chống nạng đi lại, sau đó có thể đi lại trong phòng. Chương trình tập luyện để phục hồi chức năng khớp háng sau mổ sẽ được hướng dẫn tiếp tục cho người bệnh sau khi xuất viện để tự tập tại nhà. Thông thường người bệnh phải nằm lại bệnh viện để được chăm sóc trong thời gian sau mổ 5 đến 7 ngày, vết mổ sẽ được cắt chỉ khoảng 14 ngày sau khi mổ. Lịch tái khám thông thường vào các thời điểm sau mổ 3 tuần, 6 tuần, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và hàng năm sau đó.
Bệnh nhân cần được tập mỗi bài 10 lần, mỗi ngày tập 2 lần.
2.2.1. Ngày thứ nhất:
Nằm ngửa, kê gối giữa hai đùi để hai đùi mở góc 20 - 300, tập thở bụng, tập các bài tập tư thế nằm từ 1 - 4.
- Dùng một chiếc gối chèn giữa hai chân khi nằm. Việc này cần được duy trì suốt đời khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ để tránh hiện tượng khép chân.
- Tập co cơ tĩnh: Người bệnh nằm ngửa, chân duỗi thẳng, gồng cơ mông 5 giây, rồi cơ đùi 5 giây mỗi lần, tập 10 đến 15 lần.
- Tập vận động cổ chân, nhất là động tác gập mu chân: Người bệnh nằm trên giường, hít thật sâu và gập mu cổ chân, giữ yên tư thế gập trong 5 giây, sau đó thở ra và thả lỏng cổ chân, nghỉ ngơi 5 giây rồi tập lại động tác đó. Tập liên tục như vậy khoảng 20 lần.
- Tập nâng thẳng chân: Người bệnh nằm trên giường, hít sâu đồng thời nâng thẳng chân mổ lên cách mặt giường khoảng 40 cm. Động tác này giúp tăng cường sức cơ tứ đầu đùi.
- Tập ngồi dậy: Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc người nhà phụ giúp nâng người bệnh ngồi dậy trên giường, hoặc ngồi dậy bỏ hai chân ra khỏi thành giường. Ngồi sớm giúp bệnh nhân thoải mái hơn và  tránh biến chứng viêm phổi.  Nếu người bệnh lớn tuổi thì ngày thứ nhất chỉ tập ngồi dậy tư thế Fowler (kê cao phần thân người ở tư thế 450 so với mặt giường).
- Tập thở: có những dụng cụ hổ trợ cho người bệnh tập thở. Người bệnh tập hít thở sâu, dung tích phổi sẽ tăng lên. Tập gồng cơ bụng còn giúp cho người bệnh tự tiểu tiện dễ dàng.
2.2.2. Ngày thứ hai:
Từ ngày thứ hai trở đi tập các bài tập tư thế nằm từ 1 - 10, tư thế đứng từ 11 - 14, có sức cản nhẹ 15 – 18, đi với nạng hoặc khung tập đi.
- Tiếp tục tập vận động cổ chân và tập nâng thẳng chân.
- Tập dạng chân: Nằm trên giường, dạng chân bên mổ khoảng 400.
- Tập duỗi gối và gập gối không hỗ trợ: Người bệnh ngồi dậy, để 2 chân ra ngoài thành giường cho gập khớp gối nhẹ nhàng. Hít thật sâu đồng thời nâng cẳng chân lên sao cho gối duỗi thẳng, giữ nguyên tư thế đó trong 5 giây. Sau đó thở ra và  thả lỏng cho khớp gối gập lại nhẹ nhàng, nghỉ ngơi 5 giây sau đó tập lại khoảng 20 lần.
2.2.3. Ngày thứ 3 đến hết tuần lễ đầu:
Tập các bài tập từ tư thế nằm từ bài 1 - 10, tư thế đứng từ bài 11 - 14, có trở kháng nhẹ từ bài 15 - 18, đi với nạng  hoặc khung tập đi, tập thêm bài tập 19.
- Tập đi lại bằng nạng hoặc khung tập đi: Đến ngày thứ ba, người bệnh bắt đầu tập đi lại, thông thường phải có hai nạng hoặc khung tập đi. Người lớn tuổi nên đi lại bằng khung tập đi vì khung có bốn chân nên ít bị trượt ngã hơn so với đi nạng. Chân mổ được phép chống chịu lực trong lúc đi lại. Thời gian đi nạng tuỳ thuộc vào loại khớp sử dụng.
2.2.4. Các tuần lễ sau:
- Người bệnh tiếp tục tập các bài tập gập và dạng háng đến khi tầm vận động khớp đạt được như mong đợi là duỗi thẳng gối, gập háng 900, dạng háng 400. Từ tuần lễ thứ tư, người bệnh bắt đầu tập những động tác tăng cường sức cơ như tập đạp xe tại chổ. Lúc đầu đạp với sức căng nhẹ sau đó tăng dần tùy theo tình trạng của mình.
- Tập đi bộ tự do, chịu lực hoàn toàn sau phẫu thuật 10 ngày với thay khớp có xi măng, 30 - 40 ngày với thay khớp không có xi măng.
- Khi ra viện tập tại nhà các bài tập từ 1 - 19 theo chương trình hướng dẫn thời gian dài tới 1 năm.
2.2.5. Những chú ý khi sinh hoạt và lao động
Để bảo vệ tốt khớp nhân tạo, người bệnh nên tránh một số động tác trong sinh hoạt hàng ngày không được làm: bắt chéo chân khi nằm hoặc ngồi, ngồi ghế thấp, ngồi xổm hoặc quỳ gối, chân thay khớp không được xoay vặn, đi giày cao gót, cúi người nhặt vật dưới đất, gập khớp háng trên 900, lái xe hoặc làm việc nặng, sinh hoạt tình dục trong 6 tuần sau mổ. Sau 6 tuần có thể đi lại, sau 3 tháng có thể làm việc nặng, không gánh nặng, bê nặng, làm việc chân tay nặng.
- Không gập đùi vào bụng hoặc gập lưng xuống quá nhiều làm cho góc đùi và thân người nhỏ hơn 900.
 
Hình 7: Tư thế ngồi đúng.
- Không ngồi trên những chiếc ghế không có tay vịn,  vì như thế người bệnh rất khó khăn khi đứng dậy.
Hình 8: Không ngồi trên ghế không có tay vịn.
- Không nên đứng lên trong tư thế hai chân ở phía truớc, như vậy người sẽ phải cúi về trước. Trước khi đứng dậy, người bệnh phải đặt chân bên mổ ở phía trước ghế, chân kia ở dưới ghế phía sau chân mổ, hai tay vịn lên thành ghế để đứng dậy.
                   
Hình 9: Tư thế sai khi đứng dậy từ ghế.
 - Khi nằm nên dạng hai chân, không nên khép chân mổ vào sát với trục giữa thân người, cần dùng một chiếc gối đệm giữa hai chân. Không được ngồi bắt chéo chân vì các động tác này dễ gây sai khớp háng nhân tạo.
Hình 10: Tư thế 1 đúng, tư thế 2 và 3 sai.
- Khi nằm ngủ nghiêng sang bên lành thì nên kẹp một chiếc gối ôm vào giữa hai chân, không nên nằm như thế này.
Hình 11: Tư thế sai.
- Khi đi vệ sinh:  không nên ngồi trên bồn cầu thấp mà phải ngồi trên bồn cầu cao để đùi không gấp quá 900.
Hình 12: Tư thế sai.
- Không nên cúi người quá thấp để nhặt vật dụng sinh hoạt  hay để đi tất.
 
Hình 13: Tư thế sai.
3. Các bài tập sau phẫu thuật
Picture 285                                  
Bài tập 1: Tư thế nằm đúng sau mổ.               Bài tập 2: co cơ tĩnh
                                                                           (cơ mông và cơ đùi). 
Picture 241              Picture 242
                       Bài tập 3: gấp duỗi cổ chân.

Picture 253        Picture 254    
                    Bài tập 4: dạng khớp háng 30-400.

Picture 244         Picture 245
                      Bài tập 5: gấp khớp háng.

Picture 251           Picture 252
                  Bài tập 6: nâng chân khỏi mặt giường 40cm.
Picture 249        Picture 250
      Bài tập 7: làm cầu vồng nâng mông lên khỏi mặt giường.

Picture 255        
Bài tập 8: dạng khớp háng.

 Picture 257       Picture 256
               Bài tập 9: duỗi khớp háng.

Picture 257         Picture 258
                 Bài tập 10: gấp cẳng chân.

Picture 261      Picture 262
    Bài tập 11: gấp khớp háng.

Picture 259     Picture 260
    Bài tập 12: dạng khớp háng.

Picture 264      Picture 263
   Bài tập 13: gấp cẳng chân.

Picture 264      Picture 265
Bài tập 14: duỗi khớp háng.


Picture 270    Picture 271
Bài tập 15: gấp khớp háng có lực cản.

Picture 274     Picture 275
Bài tập 16: dạng khớp háng có lực cản.


Picture 272      Picture 273
Bài tập 17: duỗi khớp háng có lực cản.


Picture 276      Picture 277
Bài tập 18: duỗi cẳng chân có lực cản.
Picture 215   Picture 239
Bài tập 19: lên xuống cầu thang.

Hình 13: Các bài tập từ 1 đến 19 dành cho người sau mổ thay khớp háng.
Nguồn: Hà Hoàng Kiệm (2015). Vật l‎ trị liệu và Phục hồi chức năng. Giáo trình dùng cho đại học. Bộ môn VLTL – PHCN HVQY. NXB QĐND.