Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

BỆNH GÚT

BỆNH GÚT - BỆNH THỐNG PHONG (GOUT DISEASE)

Gút là thuật ngữ chỉ tình trạng bệnh lý cấp tính gây viêm khớp và sự lắng đọng tinh thể urat tạo u cục trong các mô, gây ra do tăng quá mức axit urit trong cơ thể.
Sự tăng axít uric quá mức trong cơ thể, đưa đến lắng đọng tinh thể urat vào các mô, đặc biệt trong và quanh các khớp gây viêm khớp mãn tính tái đi tái lại, tạo các u cục cứng phá hủy khớp. Các tinh thể urat lắng đọng ở thận gây tắc nghẽn ống thận, tạo sỏi thận và làm suy thận.
  Axít uric  là một sản phẩm phân hủy của purine, có trong nhiều loại thức ăn. Một số người tăng axit uric trong máu mà không có biểu hiện gút (viêm khớp, sỏi thận, suy thận) gọi là tăng axit uric máu không triệu chứng, báo hiệu một khả năng phát triển thành bệnh gút.
  Viêm khớp do gút điển hình bệnh nhân đau khớp rất dữ dội, khởi phát nhanh do phản ứng miễn dịch quá mức làm tăng bạch cầu để dọn dẹp các tinh thể lắng đọng của axit uric và tạo ra các chất trung gian hóa học của phản ứng viêm, làm cho khớp bị đau, sưng, nóng và đỏ. Khi bệnh tiến triển sẽ làm tần suất đau tăng lên và số lượng khớp bị đau cũng tăng lên.
Ai có nguy cơ bị bệnh gút ?
 Ở Mỹ, khoảng 5 triệu người mắc bệnh này. Nam bị nhiều hơn nữ gấp 9 lần, thường ở những người có tuổi.
Liên quan giữa sự tăng axit uric trong máu với bệnh gút vẫn chưa rõ ràng. Một số người tăng axit uric nhưng không bị gút, trong khi một số người khác bị gút cấp tính lập đi lập lại nhưng có mức axit uric thấp hoặc bình thường. Trong giai đoạn gút cấp tính thường có mức axit uric trong máu thấp. Ở Mỹ, có khoảng 10% nam giới có axit uric trong máu cao nhưng chỉ một phần nhỏ trong số này bị gút mà thôi.
Những người có nguy cơ bệnh gút: béo phì, thừa cân (đặc biệt người trẻ), nghiện rượu, cao huyết áp, và chức năng thận bất thường.
Các thuốc làm tăng axit uric trong máu và có thể gây bệnh gút như: thuốc lợi tiểu thiazide, aspirin liều thấp, niacin, cyclosporine, thuốc kháng lao (pirazinamide [PZA], ethambutol). Một số bệnh làm tăng sản xuất axit uric trong cơ thể như: ung thư máu (leukemia), lymphoma và các bệnh hemoglobin.
  Các yếu tố làm dễ lắng đọng tinh thể urat và gây bệnh gút như: bị mất nước, chấn thương khớp, sốt, ăn quá nhiều (đặc biệt nhiều đạm), uống nhiều rượu, những người mới được phẫu thuật.
Triệu chứng bệnh:
 

  Khớp bàn ngón chân cái bị nhiều nhất (podagra). Các khớp thường gặp khác như: cổ chân, gối, cổ tay, các ngón tay, khuỷu. Triệu chứng trong giai đoạn cấp tính là đau khớp rất dữ dội khởi phát nhanh, kèm theo là sưng, nóng, đỏ và có thể bị sốt. Bệnh nhân rất nhạy cảm đau, thậm chí chạm vào chăn mền cũng đau không chịu nổi. Đau có thể kéo dài nhiều giờ trong ngày, một số trường hợp đau kéo dài nhiều tuần. Bệnh thường tái phát nhiều lần trong nhiều năm.
 Giai đoạn bệnh mãn tính, các tinh thể urat lắng đọng trong các mô quanh khớp và các mô mềm khác tạo u cục (u tophi). U tophi có thể gặp bất cứ nơi nào trong cơ thể, thường ở ngón tay, mỏm khuỷu, vành tai, quanh ngón chân cái, thậm chí có thể ở dây thanh âm, hoặc quanh tủy sống.
  
Chẩn đoán bệnh:
 Bệnh nhân thường được dự đoán là gút khi đau cấp tính ở khớp, đặc biệt nền ngón chân cái. Khớp khuỷu và gối là 2 khớp thường bị tiếp theo. Bệnh nhân bị gút cấp tính thường chỉ đau 1 khớp, trong khi các bệnh viêm khớp khác như lupus đỏ, viêm khớp dạng thấp thì thường ở nhiều khớp.
  Chẩn đoán chính xác bằng cách tìm tinh thể urat trong dịch khớp bằng cách chọc hút dịch khớp. Tinh thể này sáng chói giống kim tiêm, nhìn thấy rõ nhất dưới kính hiển vi. Hoặc cũng có thể chẩn đoán nhờ tìm thấy tinh thể urat trong các u tophi ở những vị trí khác như túi hoạt dịch ...
 Một số trường hợp bệnh nhân có triệu chứng điển hình thì cũng có thể được chẩn đoán và điều trị mà không cần xét nghiệm tìm tinh thể. Tuy nhiên, cũng cần có chẩn đoán chắc chắn vì có một số tình trạng khác có thể giả gút như những bệnh viêm khớp do lắng đọng tinh thể khác như viêm khớp vải nến, viêm khớp dạng thấp, và thậm chí viêm khớp nhiễm trùng.

Chụp X quang cũng có thể hữu ích và có thể thấy những tinh thể lắng đọng và tổn thương xương do viêm khớp tái đi tái lại. X quang có thể giúp theo dõi hiệu quả điều tri gút mãn tính của khớp.
Điều trị:
Điều trị phải đặt ra 2 vấn đề: một là giải quyết tình trạng viêm khớp cấp tính do gút (tức là giải quyết triệu chứng đau, viêm khớp cấp), và hai là quản lý bệnh nhân để ngăn ngừa cơn gút cấp tính tái phát và sự lắng đọng thêm tinh thể urat vào các mô.
Điều trị cơn gút cấp tính: giải quyết vấn đề đau và viêm khớp.
Các thuốc giảm đau: acetaminophen hoặc các thuốc giảm đau mạnh hơn cũng được dùng để điều trị đau.
Các thuốc kháng viên không corticoid như colchicine, indometacin và naproxen (naprosyn) có hiệu quả kháng viêm trong bệnh gút. Các thuốc này sẽ giảm liều dần khi giải quyết tình trạng viêm. Cần chú ý tác dụng phụ trên dạ dày – tá tràng.
Colchicine dùng đường uống, có tác dụng kháng viêm trong giai đoạn cấp tính. Dùng mỗi giờ hoặc mỗi 2 giờ cho đến khi cải thiện triệu chứng hoặc có tác dụng phụ của thuốc (đau dạ dày, tiêu chảy nặng). Đồng thời sau giai đoạn cấp, colchicine cón có tác dụng ngăn ngừa cơn gút cấp do tác dụng làm giảm axit uric trong máu cùng với các thuốc như Allopurinol (Zyloprim) hoặc Febuxostat (Uloric). Một tác dụng phụ khác của colchicine là buồn nôn và nôn ói. Dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày trong giai đoạn phòng ngừa.
Corticosteroids như prednisone, là kháng viêm mạnh, dùng trong thời gian ngắn, giai đoạn viêm khớp cấp tính. Có thể dùng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp.
Phòng ngừa cơn gút tái phát và sự lắng đọng tinh thể urat: gồm các vấn đề sau:
1/ Chế độ ăn uống cho bệnh nhân gút:
Thay đổi chế độ ăn giúp giảm mức axit uric trong máu. Tránh các chế độ ăn giàu chất purine (vì purine trong cơ thể được chuyển hóa thành axit uric). Tránh ăn các thực phẩm giàu chất Purine như: các loại đồ biển (tôm, cua, sò, ốc …), lòng động vật (gan, ốc, thận, lách), các loại thịt đỏ. Đường fructose của bắp ngô trong các loại nước uống cũng làm tăng nguy cơ bị gút.
Các loại rượu, bia (đặc biệt rượu mạnh) có ảnh hưởng đến chuyển hóa axit uric và làm tăng axit uric trong máu. Rượu ngăn trở sự thải axit uric qua thận và gây mất nước (do tác dụng lợi tiểu của rượu) nên ảnh hưởng xấu cho bệnh nhân gút.
Giảm cân cũng giúp giảm tần suất tái phát của cơn gút cấp, bằng các chế độ ăn giảm mỡ và năng lượng đưa vào cơ thể, kết hợp tập thể dục thường xuyên.
 Duy trì đủ lượng nước nhập cũng góp phần ngăn ngừa cơn gút cấp tính tái phát. Bệnh nhân cần uống nhiều nước để giảm nguy cơ tạo sỏi thận.
 2/ Thuốc:
Các thuốc có tác dụng làm tăng thải axit uric qua thận hoặc ngăn chận quá trình chuyển hóa purine của thức ăn thành axit uric. Thường chỉ sử dụng sau khi tình trạng viêm đã giảm, vì chúng có thể làm bệnh nạng thêm trong giai đoạn cấp. Nếu bệnh nhân đã sử dụng trước đợt cấp thì vẫn tiếp tục duy trì liều cũ và chỉ chỉnh liều sau khi tình trạng cấp tính được giải quyết.
Các thuốc tăng thải axit uric qua thận:
Probenecid (Benemid) và sulfinpyrazone (Anturane). Các thuốc này có thể gây sỏi thận (hiếm) nên tránh dùng cho những bệnh nhân có tiền sử sỏi thận và bệnh nhân phải uống nhiều nước để tránh tạo sỏi thận.
Các thuốc ngăn chận chuyển hóa purine của thức ăn thành axit uric:
Allopurinol: thận trọng cho những bệnh nhân chức năng thận kém vì nguy cơ tăng tác dụng phụ như phát ban, tổn thương gan.
Febuxostat được chấp nhận bởi FDA (Food and Drug Administration) Mỹ trong điều trị giảm axit uric máu do gút năm 2009. Hiệu quả hơn allopurinol trong ngừa cơn gút cấp tính và giảm lắng đọng tinh thể urat trong khớp ngón tay, khuỷu, vành tai. Do febuxostat chuyển hóa không đáng kể ở thận, nên có ưu thế hơn allopurinol ở những bệnh nhân có bệnh thận. Cần theo dõi mức axit uric máu và chức năng gan khi dùng febuxostat.
Một số bệnh nhân khi tăng liều thuốc hạ axit uric sẽ làm khởi phát cơn gút cấp tính. Những bệnh nhân này, sử dụng colchicine liều thấp có thể ngừa cơn gút cấp.
  Một thuốc mới, dùng đường truyền tĩnh mạch trong điều trị gút mãn tính: PEGylated uricase (pegloticase or Krystexxa). Dùng mỗi 2 tuần chỉ khi bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc hạ axit uric thông thường khác do có thể sốc phản vệ và phản ứng tiêm truyền. Có thể giảm nguy cơ này bằng cách cho kháng histamine và corticoid trước khi truyền.
 Các biện pháp tại nhà (Home remedies): bệnh nhân có thể làm giảm triệu chứng đau tại nhà trong giai đoạn cấp bằng cách nghỉ ngơi, kê cao chi đau. Tránh chườm đá vì một số trường hợp có thể làm tăng lắng đọng tinh thể urat tại chỗ. Tránh dùng aspirin vì aspirin ngăn chận thải trừ axit uric.
  Do tính chất đau trầm trọng của bệnh và thường gặp ở những người có chế độ ăn giàu dinh dưỡng nên bệnh gút được cho là "bệnh của các vua và là vua của các bệnh" (disease of Kings, King of Diseases).
  Tài liệu tham khảo:
Klippel, John H., et al., eds. Primer on the Rheumatic Diseases. New York: Springer and Arthritis Foundation, 2008.
Ruddy, Shaun, et al., eds. Kelley's Textbook of Rheumatology, 6th ed. Philadelphia: Saunders, 2001.


Add: P.B - K.Chấn Thương Chỉnh Hình -BVT Đắk Lắk
Hotline: 0500.3500.115
Mobile : 0902.37.47.47 - 0905.149.777
Fax : +845003890662

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét