Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2018

Bài Tập Vật Lý Trị Liệu

Vật lý trị liệu cho bệnh lý cột sống

Khi bệnh nhân mới chớm đau lưng, cần phải đến vật lý trị liệu để được hướng dẫn các động tác tập và tư thế tốt trong sinh hoạt hằng ngày nhằm tránh bị nặng thêm.
Đa số các trường hợp chỉ đến bác sĩ khám và uống thuốc thấy bớt đau và nghĩ rằng như thế là hết bệnh. Thực ra đó chỉ là giai đoạn đầu của bệnh lý, nếu người bệnh biết giữ tư thế tốt trong sinh hoạt hằng ngày và tập luyện đều đặn thì bệnh sẽ không nặng thêm và có thể sẽ tránh được phẫu thuật.

CÁC PHƯƠNG THỨC VẬT LÝ TRỊ LIỆU

Tùy theo mức độ, nguyên nhân bệnh lý cột sống và triệu chứng, người bệnh sẽ được trị liệu với các loại máy và những bài tập vận động  thích hợp.

A. ĐIỆN TRỊ LIỆU

SÓNG NGẮN:
Giúp gia tăng tuần hoàn trong các mô sâu, nhờ vậy gia tăng dinh dưỡng vùng tổn thương, đồng thời tăng đào thải các chất gây viêm, làm giảm đau. Áp dụng rất tốt cho các chứng đau cơ xương khớp (bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, viêm chu vi vai, viêm xoang…)
SIÊU ÂM:
Nếu bệnh nhân có điểm đau, siêu âm cho hiệu quả rất cao nhờ tác dụng cơ học, các màng tế bào rung lên làm tăng hoạt động màng, gia tăng tuần hoàn, tăng cường dinh dưỡng cục bộ, giảm đau, giảm viêm làm mềm mô sẹo, giảm kết dính.
KÍCH THÍCH ĐIỆN:
Các dòng điện giảm đau được áp dụng đặc biệt khi bệnh nhân đang đau cấp, cơ đang co thắt các dòng điện này sẽ làm giảm đau nhờ ức chế đường dẫn truyền thần kinh lên não và đồng thời làm giảm co thắt  giúp người bệnh mau chóng hết đau.
LASER:
Giúp giảm đau, tê và kích thích tái tạo mô.

B. VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU

Song song với các phương thức trên, vận động tập và giữ tư thế tốt trong sinh hoạt hằng ngày rất quan trọng trong quá trình điều trị.
Mục đích các bài tập là để lấy lại sự cân bằng của hệ cơ xương khớp, điều mà thường xuyên bị phá vỡ mọi nơi mọi lúc trong quá trình sống và làm việc của con người. Do vậy phải tìm ra các cơ co rút để kéo giãn, đồng thời tìm ra các cơ yếu để tập mạnh. Tùy theo bệnh lý mà có các bài tập khác nhau.

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG

Bài tập 1: Tập mạnh cơ lưng.

–  Tư thế khởi đầu: Nằm sấp, hai tay xuôi theo thân mình, hai chân duỗi thẳng:
Bai tap vat ly tri lieu - Tap manh co lung
– Thực hiện động tác: Nâng đầu và hai vai lên khỏi mặt giường giữ lại 5-10 giây rồi trở lại tư thế khởi đầu. Lập lại động tác 10-15 lần. Ngày tập 2 lần.
Bài tập vật lý trị liệu - Tập mạnh cơ lưng

Bài tập 2: Tập mạnh cơ thẳng bụng

 Bài tập vật lý trị liệu - Tập mạnh cơ bụng– Tư thế khởi đầu:  Nằm ngửa,  hai bàn chân đặt trên giường.
– Thực hiện động tác: Ngóc đầu dậy, hai bàn tay chạm vào hai đầu gối (chân vẫn đặt trên giường và trở về vị trí khởi đầu).  Lập lại động tác 10-15 lần. Ngày tập 2 lần.

Bài tập 3:  Tập mạnh cơ chéo bụng

Bài tập vật lý trị liệu - Tập mạnh cơ chéo bụng– Tư thế khởi đầu giống như  bài tập cho cơ thẳng bụng.
– Thực hiện động tác: Ngóc đầu dậy, chạm tay phải vào đầu gối trái và trở về vị trí khởi đầu. Sau đó đổi bên (tay trái chạm đầu gối phải). Lập lại động tác 10-15 lần. Ngày tập 2 lần.

THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG CỔ & THOÁI HÓA CỘT SỐNG CỔ

Bài tập 1:

– Tư thế khởi đầu:  Ngồi, đầu ở vị thế trung tính.
– Thực hiện động tác:  Ép cằm vào cổ rồi ấn cổ vào tường (hoặc ấn  xuống gối khi nằm), giữ lại 5 giây rồi thư giãn. Lập lại động tác 10- 15 lần. Ngày tập 2 lần.
Ép cằm vào cổ ở tư thế nằmBài tập vật lý trị liệu cho cột sống cổ - Ép cằm vào cổ ở tư thế ngồi

Bài tập 2:

-Tư thế khởi đầu:  Ngồi, đầu ở vị thế trung tính.
-Thực hiện động tác:  Xoay đầu chậm rãi qua lại 2 bên, giữ lại ở tầm độ cuối mỗi bên 5 giây, tăng dần tầm độ ở những lần sau. Lập lại 15 lần cho mỗi bên. Ngày tập 2 lần.
Bài tập vật lý trị liệu cho cột sống cổ - Xoay đầu chậm qua hai bên

Bài tập 3:

Bài tập cho cột sống cổ ở tư thế ngồi - Xoay đầu chậm qua hai bên– Tư thế khởi đầu:  Ngồi, đầu ở vị thế trung tính.

– Thực hiện động tác:. Nghiêng đầu qua bên Trái (T), vai Phải (P) hạ xuống để cho cơ Thang trên bên (P) giãn ra, nếu chưa đủ căng thì dùng tay (T) kéo nhẹ đầu về bên (T), giữ lại 5 giây, trở về vị thế ban đầu. Lập lại động tác cho bên kia. Lập lại 10-15 lần cho mỗi bên. Ngày tập 2 lần.

THOÁI HÓA CỘT SỐNG  THẮT LƯNG
Ngoài 3 động tác của thoát vị đĩa đệm cần tập thêm các động tác nghiêng hai bên, xoay cột sống
                         

Và các bài tập sau:


Bài tập 4: Lắc xương chậu:

Bài tập vật lý trị liệu cho thoái hóa cột sống thắt lưng - Lắc xương chậu– Tư thế khởi đầu:  Nằm ngửa, 2 bàn chân đặt trên giường.
– Thực hiện động tác: Ưỡn cong thắt lưng lên, (mông và lưng trên vẫn sát mặt giường), sau đó ép sát thắt lưng xuống giường. Lập lại  10-15 lần.  Ngày tập 2 lần.
 Bài tập 5: Kéo giản cơ dựng sống thắt lưng
 Vật lý trị liệu cho thoái hóa cốt sống thắt lưng - Kéo giãn cơ dựng cột sống thắt lưng Vật lý trị liệu cho thoái hóa cốt sống thắt lưng - Kéo giãn cơ dựng cột sống thắt lưng
– Tư thế khởi đầu: Nằm ngửa, 2 chân thẳng.
– Thực hiện động tác: Co 1 chân, (chân kia vẫn duỗi thẳng), dùng 2 tay đan lại, kéo chân này ép sát đùi vào bụng, giữ lại 5 giây, trở về vị thế khởi đầu. Làm lại động tác này cho chân đối bên. Cũng có thể co 2 chân cùng một lúc nếu không khó chịu. Lập lại 10-15 lần cho mỗi bên. Ngày tập 2 lần.

Bài tập 6: Kéo giãn nhóm cơ Ụ ngồi – cẳng chân

Có thể thực hiện ở vị thế ngồi, đứng hoặc nằm. Giữ lại ở vị trí căng nhất 5-10 giây. Lập lại 10-15 lần cho mỗi bên. Ngày tập 2 lần.

Lưu ý: Ở tư thế ngồi và đứng lưng phải giữ thẳng khi gập người về trước.
KÉO CỘT SỐNG:
Mục đích làm giãn các cơ co thắt cạnh cột sống, làm giảm sức ép lên rễ thần kinh.Với trường hợp thoát vị đĩa đệm độ 1- 2, khi được kéo giãn sẽ tạo áp suất âm nội đĩa và nhân nhày sẽ được hút về vị trí cũ. Tuy nhiên, nếu kéo lâu quá, áp suất trong và ngoài đĩa sẽ cân bằng, nhân nhầy sẽ thoát ra trở lại. Thời gian này được tính toán theo từng bệnh nhân cụ thể.
Tương tự, trọng lượng kéo phải đạt yêu cầu. Nếu kéo nhẹ quá sẽ không có tác dụng mà chỉ làm mất thời gian của người bệnh. Trọng lượng kéo cột sống thắt lưng có thể từ 1/4 – 1/2 trọng lượng cơ thể; từ 1/10 –  1/6 cho cột sống cổ. Sự tính toán này phải dựa trên tuổi tác, sự vững chắc hệ cơ xương khớp của người bệnh. Trọng lượng kéo sẽ được theo dõi để tăng dần trong quá trình điều trị.
Góc kéo cũng quan trọng, tùy theo vị trí đĩa đệm muốn kéo mà điều chỉnh góc kéo cho phù hợp.
Sau khi kéo xong bệnh nhân cần được nghỉ ngơi vài phút, mang nẹp, nằm nghiêng ngồi dậy.

TƯ THẾ TỐT TRONG SINH HOẠT HẰNG NGÀY

– Dù thoát vị đĩa đệm hay thoái hóa cột sống cũng không  nên cúi đầu, cúi lưng và không ở lâu một tư thế .
– Không nằm võng, ghế bố,  nệm mềm, không gối đầu cao (gối mỏng lót ở vùng cổ), không  ngồi xổm vì những tư thế này làm cột sống cong dễ gây thoát vị.
– Khi ngồi, nhớ thẳng đầu, thẳng lưng, không thò đầu ra trước (đầu nên ở trên đường thẳng với trục cột sống).
– Muốn nhặt vật dưới đất phải giữ lưng thẳng, khuỵu gối xuống rồi nhặt vật. Không được khiêng vật nặng. Không được xách đồ nặng trên 5 kg (khi có bệnh lý ở cột sống cổ).
– Không đi guốc cao gót vì sẽ làm tăng độ ưỡn thắt lưng dễ gây trượt đốt sống.

Một số hình ảnh minh họa:

Khi ngồi học tập, làm việc …
bai tap vat ly tri lieu cho cot song
Khi nâng, nhấc vật nặng:

Khi nằm nghiêng, phải kê gối đủ cao để giữ cột sống cổ thẳng hàng với cột sống lưng:

Khi nhặt vật phải khuỵu gối, giữ lưng thẳng:

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét