CHĂM SÓC
VÀ ĐIỀU TRỊ
GÃY XƯƠNG
CHO NGƯỜI CAO TUỔI
Sau nhiều năm lao động, làm việc, hệ
thống xương khớp của người cao tuổi thoái hóa dần. Xương giòn vì chất collagen,
chất đạm giảm đi, vỏ xương mỏng (do thiếu canxi), ăn uống kém, tuần hoàn suy
giảm do ảnh hưởng của các bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, gan mật. Chỉ cần
một lực tác động nhẹ cũng có thể làm gãy xương; và nếu không xử trí và chăm sóc
đúng, các cụ có thể nhanh chóng kiệt sức
Người cao tuổi thường bị gãy xương
trong các tình huống dưới đây:
- Trượt do sàn nhà, sàn nước, nhà vệ sinh trơn
(tình huống thường gặp nhất). Chân người cao tuổi không đủ sức chống đỡ nên dễ
bị ngã. Tư thế ngã thường là đập mông, đập hông, chống tay, chống khuỷu.
- Ði vấp ngã bậc thềm, bậc thang, ngã đập gối
xuống đất.
- Tối ngủ trở mình ngã xuống giường. Thậm chí
sáng ngủ dậy xoay người đứng lên cũng có thể làm gãy xương.
- Ngã ngồi do hụt chân, ngã xe, bị va chạm nhẹ.
Hai mông đập xuống đất, người cúi gập xuống đất.
- Ngoài ra người cao tuổi còn có thể gặp những
tai nạn giống như ở các lứa tuổi khác, tuy với cùng lực chấn thương nhưng sẽ bị
nặng hơn. Nhiều khi lực chấn thương không mạnh cũng có thể làm gãy xương. Ví dụ
đi bộ, đi xe đạp bị va quẹt nhẹ, bị trẻ con chạy chơi xô ngã...
Vị trí gãy xương thường gặp
- Chi trên: Gãy đầu dưới xương quay thường do
ngã chống bàn tay. Gãy cổ phẫu thuật cánh tay thường do ngã đập vai hay chống
khuỷu. Có người ngã chống bàn tay, khuỷu duỗi thẳng làm gãy cả hai nơi (đầu
dưới xương quay lẫn đầu trên xương cánh tay).
- Chi dưới: Gãy cổ xương đùi do ngã đập hông,
đập mông. Gãy xương bánh chè do ngã đập gối. Gãy ngón chân do đi vấp ngã, va
quệt bậc thang, chân bàn, chân ghế. Ở bàn chân có một vị trí hay bị bỏ sót là
gãy nền xương bàn 5. Cơ chế chấn thương chỉ đơn giản là bị lật nhẹ bàn chân hay
cổ chân. Sau đó thấy đau hoặc chỉ sưng mu bàn chân. Cảm giác khó chịu ở cạnh
ngoài bàn chân (dọc theo bờ ngón út). Nhiều người ban đầu tưởng bong gân nên
xức dầu nóng, bó thuốc, nắn trật. Sau nhiều ngày vẫn không hết sưng mới đến
bệnh viện chụp phim X-quang và phát hiện gãy xương.
- Cột sống và khung chậu: Gãy đốt sống thắt
lưng thứ 3, thứ 4, thứ 5 hoặc xương tọa khi bị ngã ngồi đập mông xuống đất.
Cũng có lúc ngã ngả lưng ra sau cấn trúng vật cứng như cạnh bàn, cạnh tủ, bậc
thang, lan can... gây chấn thương trực tiếp vào cột sống thắt lưng. Thường gặp
ở những người cao tuổi bị loãng xương trung bình hay nặng.
Người già gãy xương khác người còn
trẻ
Gãy xương làm nạn nhân rất đau và không thể cử
động bình thường phần chi bị gãy. Ở người cao tuổi, nhiều khi không thấy đau
ngay mà thường về khuya mới bị nhức xương. Dấu hiệu bầm máu cũng có thể không
thấy ngay mà sau nửa ngày mới có thể phát hiện vì nó xuất hiện chậm, hoặc ẩn
sau lớp áo quần nên người nhà không thấy.
Người cao tuổi có thể gãy xương nhiều nơi nhưng
chỉ đau ở một nơi nặng nhất; những nơi còn lại sẽ đau khi nơi kia đã được điều
trị ổn. Vì thế cần kiểm tra X-quang toàn diện và kiểm tra lại sau đó vài ngày
để chắc chắn không bị bỏ sót tổn thương.
Nhiều người cao tuổi do xương gãy không di lệch
nhiều nên có thể cử động được phần chi bị đau. Do đó người nhà hay ngay cả một
số bác sĩ có thể nghĩ rằng không bị gãy xương. Ðã có nhiều trường hợp ngã xe
đạp gãy cổ xương đùi nhưng nạn nhân vẫn có thể đạp xe về nhà sinh hoạt bình
thường trong ngày hôm đó. Sáng hôm sau mới thấy đau nhiều và sưng. Vào bệnh
viện chụp phim thấy xương gãy đã bị di lệch. Người nhà rất thắc mắc.
Thật ra nạn nhân gãy xương dạng không di lệch
(nứt xương). Nhưng nếu không phát hiện sớm, tiếp tục cử động, ổ gãy sẽ bị vỡ ra
và di lệch. Ðiều này có ý nghĩa tổn thương đã chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ
nặng. Hậu quả là nạn nhân phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo vì chỏm xương đùi
bị hư.
Lưu ý khi điều trị gãy xương cho
người cao tuổi
Sự lành xương ở người cao tuổi chậm hơn người
trẻ. Hơn nữa, người cao tuổi thường ăn uống kém (do bộ máy tiêu hóa đã yếu
nhiều, cơ thể ít vận động hơn, nạn nhân luôn luôn cần sự trợ giúp) cùng tâm lý
cực đoan (hoặc thổi phồng bệnh tật của mình, hoặc buông xuôi, bất cần vì không
muốn làm phiền người thân).
Vì thế không nên áp dụng cứng nhắc chế độ điều
trị gãy xương ở người trẻ cho người cao tuổi vì đặc điểm cơ thể của họ khác
nhau. Nhiều người cao tuổi thích tìm đến sự điều trị đơn giản như bó thuốc, xức
dầu nóng, tự ý uống thuốc giảm đau.
Ðể lành xương nhanh chóng, không chỉ người cao
tuổi mà cả những bệnh nhân trẻ cũng cần chú ý những điểm sau: dinh dưỡng đầy đủ
và vận động sớm (theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa
chỉnh hình). Sự vận động sớm mang lại nhiều ích lợi cho cơ thể người cao tuổi,
giúp ngăn ngừa táo bón, chống loét do tư thế nằm lâu, đồng thời giúp máu huyết
lưu thông làm xương chóng lành, chống sưng phù chi đau, giảm sự cứng khớp, teo
cơ.
Vì những lợi ích to lớn như thế nên quan điểm
điều trị gãy xương hiện đại là cố định xương gãy thật chắc chắn để giúp người
bệnh, nhất là người cao tuổi có khả năng vận động sớm. Sự cố định xương này
được thực hiện bằng nhiều phương pháp, trong đó có phẫu thuật.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể cố
định xương thật chắc chắn như ý muốn, vì điều này còn tùy thuộc vào đặc điểm
xương của bệnh nhân cũng như mức độ nặng nhẹ của xương gãy. Ví dụ với loại
xương quá xốp thì không đặt nẹp được do các ốc vít không bám được vào xương,
hoặc xương gãy nát nhiều mảnh nhỏ thì không thể nào ráp dính lại với nhau hoàn
toàn.
Chính vì thế mà cũng có nhiều hướng dẫn điều
trị khác nhau, mỗi bệnh nhân sẽ có chế độ điều trị riêng, không ai giống ai.
Chẳng hạn cùng là gãy đầu dưới xương quay, nhưng có người bó bột 2 tuần, có
người phải bó bột 6 tuần. Cùng là gãy cổ xương đùi, có người bó bột nằm nghỉ
trên giường 1 tháng, có người vừa mổ xong đã tập đi nạng được ngay ngày hôm
sau.
Với người cao tuổi, không chỉ cần đến món ăn bổ
dưỡng mà phải quan tâm thức ăn ấy có được hấp thu tốt qua đường ruột hay không?
Ăn nhiều chất bổ nhưng không hấp thu được vào máu thì dinh dưỡng vẫn kém. Người
cao tuổi lại hay bị táo bón do ít vận động, do tư thế nằm lâu, ruột làm việc
kém, hậu quả là gây cảm giác chướng bụng, không muốn ăn, khó tiêu, ợ chua. Có
thể khắc phục bằng cách uống một ít thuốc táo bón hỗ trợ ban đầu, sau đó tập
ngồi dậy, vận động, ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu hóa. Nếu quá yếu, nhiều lúc
phải hỗ trợ bằng nuôi ăn qua đường tĩnh mạch trong vài ngày đầu để có sức.
Một số chế độ điều trị thường dùng
cho người cao tuổi
- Gãy đầu dưới xương quay: Nắn kín và bó bột
cẳng bàn tay sát khuỷu khoảng 3 tuần, tháo bột và đặt một nẹp vải ở cẳng bàn
tay. Sau khi bó bột về, chú ý kê tay cao để ngừa sưng bàn tay, ngón tay. Thường
xuyên cử động các ngón tay cho máu lưu thông tốt. Một số trường hợp gãy phạm
khớp nặng sẽ được mổ nắn, cố định ổ gãy bằng nẹp vít hay các loại kim
Kirschner. Một số khác có thể được sử dụng khung bất động ngoài.
- Gãy đầu trên xương cánh tay (gãy cổ phẫu
thuật): Bệnh nhân được cố định ổ gãy ở tư thế áp tay sát thân và nâng khuỷu gấp
90 độ. Loại băng nẹp gọi là băng Deseault. Loại gãy này rất dễ lành xương.
- Gãy cột sống thắt lưng: Bệnh nhân phải nằm
nghỉ 3-4 tuần trên giường. Chú ý vấn đề lăn trở, có thể lật nghiêng nhẹ với tư
thế giữ thẳng cột sống để vệ sinh chống loét. Cho bệnh nhân tập vận động tay
chân. Nằm nệm hơi, nệm nước. Sau hai tuần có thể ngồi dốc 30-45o.
- Gãy cổ xương đùi: Cần nhập viện và mổ cấp cứu
ngay. Người bệnh sẽ được nắn xương trên bàn chỉnh hình và cố định ổ gãy bằng 2
vít xốp hoặc 2 đinh Knowles. Phẫu thuật được thực hiện dưới màn hình kiểm soát
gọi là C-arm. Ðây là một loại máy chụp X-quang trong phòng mổ, giúp bác sĩ thấy
được ổ xương gãy mà không cần phải mở da như kỹ thuật xưa kia. Nhờ vậy có thể
nắn xương tốt và vết thương trên da của bệnh nhân chỉ vào khoảng 1-2 cm (vừa đủ
cho đinh vào).
Sau mổ, bệnh nhân có thể ngồi dậy tập co gối
nhẹ. Nếu khỏe có thể tập đi khung hay hai nạng nhưng chưa chạm đất chân đau
ngay. Mức độ chịu nặng (chạm đất) của chân gãy sẽ tăng dần tùy theo sự tiến
triển lành xương của người bệnh. Thường sẽ bỏ nạng sau khoảng 6-9 tháng vì đó
là khoảng thời gian đủ cho gãy cổ xương đùi lành.
Tuy nhiên có một số trường hợp xương không lành
hay chỏm xương bị hư sau khi gãy xương đã lành. Lúc này có chỉ định thay chỏm
nhân tạo.
- Gãy xương bánh chè: Cũng được mổ cấp cứu. Sau
khi mổ, bệnh nhân thường được bó bột đùi cổ chân. Người bệnh có thể đi hai nạng
hay khung ngay sau mổ. Sau 2-3 tuần, bột sẽ được tháo và bệnh nhân được hướng
dẫn tập co gối. Nếu không tập sẽ bị cứng gối, lúc đó người bệnh không gập gối
lại được vì khớp bị giới hạn. Xương thường lành sau 3-6 tháng. Nếu dụng cụ cố
định xương gây cấn đau sẽ được bác sĩ mổ lấy bỏ.
Phòng tránh chấn thương
Với người bệnh:
- Ði lại cẩn thận. Tốt nhất sử dụng một cây gậy
để hỗ trợ và cảnh báo người khác. Nên thực hiện các động tác sinh hoạt nhẹ
nhàng và chậm để giúp cơ thể tránh bị những lực tác động mạnh và bất ngờ.
- Phòng vệ sinh khô ráo, thường xuyên có đủ ánh
sáng, có các thanh vịn hỗ trợ khi cần thiết.
- Tránh nằm giường cao. Tránh nằm võng vì ở tư
thế này khi ngồi dậy, người cao tuổi dễ bị trẹo người và lật ngã. Nên nằm mùng
và có gối tấn bảo vệ.
Với người thân:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi
khi thiết kế nhà cửa, như làm bậc thang thấp, tránh bố trí phòng ngủ ở lầu cao,
nên có nhà vệ sinh gần phòng ngủ, đèn đủ sáng và sàn nhà không trơn trợt...
- Khi người cao tuổi bị chấn thương, dù nhẹ
cũng nên kiểm tra ngay bằng X-quang và đến bệnh viện để các bác sĩ chuyên khoa
định rõ bệnh. Không nên tự ý uống thuốc, sửa trật, bó thuốc vì có thể làm bệnh
nặng hơn. Chú ý nhẹ nhàng khi thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng. Nếu có gãy xương
thì nên tuân thủ đúng chế độ điều trị của bác sĩ, tư vấn để nhờ bác sĩ giải
thích cặn kẽ.
Add: P.B - K.Chấn Thương Chỉnh Hình -BVT Đắk Lắk
Hotline: 0500.3500.115
Mobile : 0902.37.47.47 - 0905.149.777
Fax : +845003890662
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét