Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

10 điều bố mẹ cần biết về bàn chân khoèo ở trẻ

Một ngày bạn đi khám thai được bác sĩ siêu âm thông báo bé có bàn chân khoèo. Đây là bệnh lý gì, có nguy hiểm không? Tại sao con bạn lại mắc phải tình trạng này? Có những dạng khoèo chân như thế nào? Bạn có thể làm gì cho bé trước và sau khi sinh không? Đó là những thắc mắc của rất nhiều bậc cha mẹ

1. Bàn chân khoèo là gì?

Bàn chân khoèo là một tình trạng bẩm sinh (có từ lúc mới sinh ra) khiến bàn chân của em bé bị vẹo vào trong hoặc ra ngoài. Biến dạng này thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bàn chân. Ở các em bé có bàn chân khoèo, các gân cơ nói từ cơ bắp chân đến gót chân rất ngắn. Chính các gân cơ bị kéo căng này làm cho bàn chân bị trật khỏi vị trí bình thường.
Bàn chân khoèo là một trong những khiếm khuyết bẩm sinh thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Biến dạng tại bàn chân này gân ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động cũng như dáng đi sau này của trẻ.
Tỷ lệ xuất hiện tình trạng này là khoảng 1/1000 trẻ sinh ra tại Việt Nam và ảnh hưởng đến các bé trai nhiều hơn bé gái. Cụ thể, các bé trai có khả năng bị khoèo chân gấp đôi bé gái.

2. Các bệnh lý có thể mắc kèm

Ít nước ối hay tư thế bất thường trong tử cung có liên quan đến bàn chân khoèo
Ít nước ối hay tư thế bất thường trong tử cung có liên quan đến bàn chân khoèo
Thông thường, em bé sinh ra với bàn chân khoèo đều khoẻ mạnh và không gặp thêm vấn đề sức khoẻ nào khác. Chỉ có một tỉ lệ rất nhỏ trẻ sinh ra còn bị thêm các tình trạng nghiêm trọng khác như dị tật đốt sống chẻ đôi. Một số dị tật khác cũng được ghi nhận ở trẻ khoèo chân có thể kể đến như vẹo cổ, trật khớp háng, cứng đa khớp, sứt môi, hở hàm ếch.
Bạn cần biết rằng tình trạng khoèo chân không gây đau đớn cho trẻ. Đa phần biến dạng này có thể được sửa chửa khi con vẫn còn bé. Việc điều trị nên được bắt đầu từ một đến hai tuần sau sinh. Các phương pháp có thể thay đổi từ nắn chỉnh thủ công bàn chân trong một thời gian hoặc phẫu thuật chỉnh sửa bàn chân.
Tỷ lệ điều trị thành công bàn chân khoèo rất cao. Sau khi chỉnh sửa, con bạn có thể tham gia vào rất nhiều hoạt động thể chất và sống một cuộc sống bình thường. Các bé không được điều trị sẽ không thể đi lại một cách bình thường. Bàn chân các bé sẽ tiếp tục biến dạng.

3. Dấu hiệu của bàn chân khoèo

Triệu chứng của bàn chân khoèo có thể dễ dàng xác định bởi các bác sĩ nhi khoa. Biến dạng này có thể hơi khó phát hiện hơn khi tình trạng khoèo chân không nặng và nếu bạn lần đầu làm bố mẹ. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm:
  • Một bàn chân gập vào trong và gập xuống, với các ngón chân hướng vào trong, về phía bàn chân còn lại
  • Bàn chân khoèo có thể nhỏ hơn bàn chân còn lại (có thể ngắn hơn đến khoảng 13 mm)
  • Gót chân của bàn chân khoèo có thể nhỏ hơn bình thường
  • Trong những trường hợp nặng, bàn chân có thể bị xoắn vặn từ trên xuống dưới.
  • Cơ bắp chân của chân khoèo sẽ hơi nhỏ hơn.
  • Khả năng vận động của bàn chân bị giới hạn.

4. Nguyên nhân gây bàn chân khoèo ở trẻ

Hiện nguyên nhân chính xác gây khoèo chân vẫn chưa rõ. Một số bằng chứng cho biết tình trạng này có liên quan đến yếu tố di truyền. Điều này có nghĩa là bất thường này có thể xuất hiện trong gia đình. Nếu bạn đã có một bé sinh ra bị bàn chân khoèo, nguy cơ em bé tiếp theo cũng bị bàn chân khoèo là khoảng 1/35 trẻ sinh sống. Ngoài ra, giới tính cũng có liên quan đến biến dạng chân này. 2/3 trẻ sinh ra với tình trạng này là trẻ trai.
Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng khoèo chân thường xuất hiện ở các em bé có mẹ hút thuốc lá hoặc dùng chất kích thích khi mang thai. Điều này đặc biệt chính xác nếu đã có tiền sử dị dạng bàn chân khoèo trong gia đình.
Thêm vào đó, một số bằng chứng cũng gợi ý mối liên hệ giữa nước ối ít và bàn chân khoèo. Dịch ối là chất lỏng quanh em bé khi bé nằm trong tử cung mẹ. Ít nước ối làm cho màng ối bị co kéo, dây rốn và cơ tử cung có thể đè ép lên bàn chân.
Nếu bạn đang mang thai và có tiền sử gia đình có người bị biến dạng này, bạn có thể cần gặp chuyên gia tư vấn di truyền. Bác sĩ di truyền sẽ cho bạn biết thêm về khả năng bé có thể mắc phải biến dạng này. Nếu một trong hai bố hoặc mẹ đều bị dị tật, khả năng bé cũng có bàn chân khoèo là 1/30. Nếu có cả bố và mẹ đều bị dị tật, khả năng bé mắc phải là 1/3.

5. Phân dạng chân khoèo

Một số dạng bàn chân khoèo thường gặp
Một số dạng bàn chân khoèo thường gặp
Mức độ nặng hay nhẹ của khoèo chân phụ thuộc vào mức độ tổn thương của phần mô mềm, cũng như sự sắp xếp và biến đổi của xương cổ bàn chân.
Dựa vào hình dạng, chân khoèo có thể có các dạng sau :
  • Bàn chân cong
  • Gót bàn chân xoay ra ngoài
  • Gót bàn chân xoay vào trong
  • Bàn chân bị cứng trong tư thế gấp vào mu bàn chân
  • Bàn chân bị cứng trong tư thế gập vào lòng bàn chân
Mức độ khoèo chân sẽ quyết định đến kết quả điều trị. Nếu khoèo chân nhẹ, việc điều trị có thể gần như hoàn toàn.

6. Chẩn đoán bàn chân khoèo 

Trong đa số trường hợp, biến dạng này được chẩn đoán sau khi bé được sinh ra. Bác sĩ nhi khoa sẽ xác định tình trạng dị dạng khi quan sát hình dạng bàn chân bé. Sau khi thăm khám, đôi khi bác sĩ sẽ cho chụp thêm phim X quang bàn chân để chẩn đoán. 
Bàn chân khoèo cũng có thể được phát hiện khi bé còn trong bụng mẹ nhờ siêu âm. Siêu âm là một kỹ thuật dựng hình lại em bé nằm bên trong tử cung.
Mặc dù chân khoèo có thể được phát hiện khi bé còn trong tử cung, không thể can thiệp gì cho đến khi bé được sinh ra. Tuy nhiên, bạn có thể có nhiều thời gian hơn để lên kế hoạch điều trị cho bé trước khi sinh.

7. Cách điều trị bàn chân khoèo 

Bé có thể phải dùng một số loại giày đặc biệt để tái định hình bàn chân
Bé có thể phải dùng một số loại giày đặc biệt để tái định hình bàn chân
Lựa chọn điều trị tốt nhất cho phần lớn các bé là nắn chỉnh và tái định hình bàn chân. Có một vài kĩ thuật đáng tin cậy để nắn chỉnh điều trị khoèo chân. Kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay có tên là Ponseti. Quá trình điều trị nên được bắt đầu sớm nhất khi có thể, thường làm trong vòng một tuần sau sinh. Đây là thời điểm tốt nhất và sớm nhất để điều chỉnh bàn chân. Trong những trường hợp khó, có thể cần phải phẫu thuật bàn chân.
Phương pháp Ponseti
Bác sĩ sẽ nắn chỉnh bàn chân về vị trí đúng và bó bột chân để cố định. Mỗi tuần bác sĩ sẽ tháo bột và nắn thêm bàn chân rồi bó bột trở lại. Việc này sẽ được thực hiện trong nhiều tháng cho đến khi bàn chân trở về vị trí bình thường. Vì biến dạng đã có sẵn từ trong bụng mẹ, phải nắn từ từ nhằm làm ngược lại biến dạng đã có từ giai đoạn phôi trong tử cung. Bố mẹ cần tuân thủ điều trị để tránh tái phát dị dạng.
Phẫu thuật
Nếu bàn chân khoèo nghiêm trọng, phẫu thuật thường là lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Phẫu thuật viên (thường là bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình) sẽ kéo dài gân gót chân và có thể điều chỉnh trục các xương và khớp bàn chân. Sau khi phẫu thuật, em bé thường phải bó bột trong vài tháng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu dùng thêm giày đặc biệt hoặc khung cố định khi tháo nạng. Trong một số trường hợp hiếm, khoèo chân không thể được chỉnh sửa hoàn toàn.
Nếu con bạn không được chữa trị, bé sẽ không thể đi lại một cách bình thường. Một số trường hợp vẫn có thể đi lại với bàn chân khoèo nhưng rất khó khăn.  Trẻ bị dị dạng này có xu hướng đi bằng cạnh bàn chân. Việc này sẽ làm chân bị chai cứng và đau mạn tính. Khi trẻ lớn hơn, khoèo chân sẽ làm con không thể sống năng động như người bình thường.

8. Phòng ngừa bàn chân khoèo ở trẻ 

Vì nguyên nhân gây ra bàn chân khoèo là không xác định được, việc dự phòng là không thể. Tuy nhiên, mẹ có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách không dùng bia rượu hay chất kích thích khi mang thai.
Ngoài ra, sau khi điều trị khoèo chân vẫn có thể tái phát. Điều này xảy ra đặc biệt nếu không tuân thủ chính xác điều trị của bác sĩ. Nếu bị tái phát, các giai đoạn điều trị có thể cần phải được lặp lại.

9. Những câu hỏi cần thiết khi gặp bác sĩ

Bàn chân khoèo ở trẻ
 
Trước khi bắt đầu quá trình chẩn đoán và điều trị, một số câu hỏi quan trọng bạn nên hỏi bác sĩ gồm: 
  • Nếu bạn có bàn chân khoèo, khả năng con bạn cũng bị dị dạng này là bao nhiêu?
  • Chế độ chăm sóc theo dõi cho con cần phải như thế nào ?
  • Liệu bé có thể hồi phục hoàn toàn về cấu trúc và chức năng bàn chân sau điều trị không ?
  • Sau này bé có chơi thể thao được không ?
  • Có tác dụng phụ dài hạn nào sau khi điều trị khoèo chân không ?
Bàn chân khoèo là một tình trạng xuất hiện ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Hiệu quả chỉnh sửa dị dạng khá tốt tuy nhiên vẫn có thể tái phát nếu không tuân thủ chính xác điều trị. Nếu trẻ không được chữa trị, có thể sẽ gây khó khăn trong đi lại và sinh hoạt khi trưởng thành.

PHÁC ĐỒ SỬ DỤNG NẸP CHO TRẺ BÀN CHÂN KHOÈO

PHÁC ĐỒ SỬ DỤNG NẸP CHO TRẺ BÀN CHÂN KHOÈO

1. Phác đồ sử dụng nẹp
Nẹp được áp dụng ngay sau khi bột cuối cùng được tháo ra, 3 tuần sau cắt gân. Nẹp bao gồm giầy hở ngón, cổ cao, khuôn thẳng, gắn vào một thanh ngang. Những trường hợp bị một bên, bên chân khoèo được đặt 60 - 70 độ xoay ngoài và bên chân lành là 30 - 40 độ xoay ngoài. Những trường hợp bị 2 bên, thì mỗi bên được đặt 70 độ xoay ngoài. Thanh ngang nên đủ dài để 2 gót giầy ngang tầm với chiều rộng 2 vai. Một lỗi thường gặp là thanh quá ngắn làm đứa trẻ không thoải mái. Đây là lý do thường gặp cho sự thiếu hợp tác của trẻ. 
Nẹp nên mang suốt ngày và đêm trong 3 tháng đầu sau khi bột lần cuối được tháo ra. Sau đó trẻ nên mang nẹp 12 giờ trong đêm và 2 -4 giờ vào giữa ngày. Tổng cộng 14 -16 giờ/24 giờ. Tiếp tục phác đồ này cho đến khi trẻ lên 3 hoặc 4 tuổi.

2. Các loại nẹp
Nhiều loại nẹp được làm sẵn để bán, có loại thanh được gắn sẵn vào giày để cố định, hoặc có thể tháo ra, có loại thanh có thể điều chỉnh chiều dài.
  


3. Lý do của việc mang nẹp
Sau tháo bột lần cuối cùng, bàn chân được dang ở tầm độ tối đa, khoảng 60 - 70 độ ( trục đùi - bàn chân ). Sau phẫu thuật gân, bột cuối cùng được giữ trong 3 tuần. Phác đồ điều trị Ponseti đòi hỏi phải có nẹp để duy trì tầm độ dang và tư thế gập lưng của bàn chân. Đây là một thanh ngang được gắn vào khuôn giày hở ngón. Tầm độ dang bàn chân này cần phải có để duy trì tư thế dang xương gót và phần bàn chân trước và ngăn cản tái biến dạng. Bàn chân sẽ dần dần quay vào trong trở lại, đến một thời điểm điển hình 10 độ xoay ngoài. 
Mô mềm phía trong bàn chân chỉ giữ được ở trạng thái kéo giãn nếu mang nẹp ngay sau khi tháo bột. Khi mang nẹp, 2 khớp gối được tự do, vì vậy trẻ có thể đá chân thẳng ra để kéo giãn gân cơ bắp chân. Dang 2 bàn chân khi mang nẹp, kết hợp với gập nhẹ bàn chân, tạo nên độ gập lưng bàn chân. Điều này giúp duy trì sự kéo giãn cơ bắp chân và gân gót.

4. Tầm quan trọng của việc mang nẹp
Sự nắn chỉnh Ponseti kết hợp với cắt gân qua da thường đạt được kết quả xuất sắc. Tuy nhiên nếu không siêng năng thực hiện chương trình mang nẹp sau đó, sự tái diễn sẽ trở lại với 80% các trường hợp. Điều này trái ngược với tỷ lệ tái phát chỉ 6% đối với các gia đình tuân thủ phác đồ điều trị .

5. Khi nào ngưng mang nẹp
 Thỉnh thoảng, có trẻ sẽ phát triển vẹo ngoài gót thái quá và vặn xương chày ra ngoài trong lúc mang nẹp. Trong trường hợp như vậy, bác sĩ nên chỉnh thanh nẹp xoay ngoài từ 70 độ xuống 40 độ. 
Phác đồ mang nẹp đêm nên kéo dài bao lâu? Không có câu trả lời có căn cứ cho câu hỏi này. Những trường hợp nặng nên mang cho đến 4 tuổi, trường hợp nhẹ có thể mang đến 2 tuổi. Không phải lúc nào cũng phân biệt được nặng hay nhẹ, đặc biệt khi quan sát trẻ ở 2 tuổi. Vì vậy, những trường hợp nhẹ cũng nên mang cho đến 3 -4 tuổi miễn là trẻ vẫn còn chịu mang ban đêm. Hầu hết trẻ em quen với việc mang nẹp và nó trở thành một phần trong lối sống của chúng. Tuy nhiên, nếu sự tuân thủ trở thành vấn đề khó khăn sau 2 tuổi, có thể ngưng mang nẹp để đảm bảo giấc ngủ cho trẻ và cha mẹ. Sự khoan dung này thì không chấp nhận được cho những trẻ dưới độ tuổi này. Dưới 2 tuổi, trẻ em và gia đình của chúng phải được khuyến khích để tuân theo phác đồ mang nẹp bằng mọi giá.

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ ĐIỀU TRỊ CHÂN KHOÈO BẨM SINH THEO PHƯƠNG PHÁP PONSETI

PHÁC ĐỒ ĐIỀU TRỊ ĐIỀU TRỊ CHÂN KHOÈO BẨM SINH THEO PHƯƠNG PHÁP PONSETI (ĐIỀU TRỊ PHỐI HỢP LIÊN CHUYÊN KHOA VẬT LÝ TRỊ LIỆU VÀ NGOẠI CHỈNH HÌNH) Ở TRẺ EM
 
I. ĐỊNH NGHĨA
Chân khoèo bẩm sinh là một tật bẩm sinh của bàn chân bị nhón gót - vẹo trong (talipes equinovarus), bao gồm 3 biến dạng: gập lòng khớp cổ chân, vẹo trong và áp bàn chân. Đây là một tật bẩm sinh phổ biến nhất của bàn chân.

II. CHẨN ĐOÁN
1. Hỏi bệnh
• Tiền sử gia đình có ai bị dị tật bàn chân hoặc các dị tật bẩm sinh khác.
• Mẹ trong thời gian mang thai: đã uống thuốc gì, tư thế ngồi khi làm việc hoặc trong sinh họat hàng ngày.
• Bàn chân khoèo đã được xử trí gì trước đó, thời gian bao lâu.

2. Khám lâm sàng
Lượng giá và tiên lượng chân khoèo dựa vào thang điểm Pirani (xem bảng lượng giá ở phía dưới).
a. Lượng giá chân khoèo theo thang điểm Pirani
• Lượng giá bàn chân giữa:
- Bờ ngoài bàn chân cong.
- Nếp gấp bờ trong.
- Độ bao phủ chỏm xương sên.
• Lượng giá bàn chân sau:
- Nếp gấp sau gót.
- Gập lòng cứng.
- Gót không sờ thấy.
b. Tiên lượng điều trị dựa vào điểm số Pirani ban đầu
• Tiên lượng số lần bó bột nắn chỉnh: tổng số lần bó bột dự định sẽ bằng với tổng số điểm Pirani ban đầu.
• Tiên lượng phẫu thuật gân gót trong bao gân:
- Tổng số điểm Pirani 5 - 6 điểm: có chỉ định phẫu thuật.
- Tổng số điểm Pirani 4 - 5 điểm: 75% trường hợp cần phẫu thuật.
- Tổng số điểm Pirani ≤ 3.5 điểm: không cần phẫu thuật.
- Lưu ý: điểm bàn chân sau rất quan trọng. Riêng bàn chân sau nếu có số điểm là 3 điểm → có chỉ định phẫu thuật gân gót.

3. Chẩn đoán xác định
• Có đủ 3 biến dạng ở cổ chân - bàn chân: gập lòng + Áp + Vẹo trong.
• Có co rút gân gót.
• Có giới hạn TVĐ khớp cổ chân và bàn chân.

4. Chẩn đoán phân biệt
• Cứng đa khớp bẩm sinh (AMC: Arthrogryposis Multiplex Congenita).
• Thoát vị tủy - màng tủy do tật nửa đốt sống (Spina Bifida).
• Bàn chân đụng gót - vẹo ngoài (Taplipes calcaneo - valgus).
• Bàn chân bị khoèo thứ phát sau các bệnh lý tổn thương TKTW: bại não, di chứng viêm não - màng não.

III. ĐIỀU TRỊ
Theo phương pháp Ponseti, chân khoèo bẩm sinh được điều trị theo tiến trình sau:

1. Bó bột nắn chỉnh
• Vật lý trị liệu thực hiện.
• Bó bột đùi - bàn chân, gối gập 90o, bàn chân ở tư thế dang và quay ngửa.
• Thay bột mỗi tuần/lần. Mỗi lần thay bột, bàn chân sẽ được nắn sửa nhiều hơn để đạt đến tư thế bình thường..

2. Phẫu thuật gân gót trong bao gân
• BS Ngoại Khoa thực hiện.
• Nếu sau giai đoạn bó bột, gân gót vẫn còn co rút là sẽ được phẫu thuật gân gót trong bao gân.
• Tiêu chuẩn chỉ định phẫu thuật gân gót sau bó bột nắn chỉnh:
- Tổng số điểm Pirani < 3 điểm.
- Bàn chân đạt tư thế trung tính, vuông góc với cẳng chân.
- Dang bàn chân đạt 60o.
• Sau phẫu thuật, bó bột liên tục 3 tuần để lành mô mềm. Bột bó sau phẫu thuật giữ bàn chân dang 60 - 70o và gập lưng cổ chân 20 - 30o.

3. Mang giày nẹp và theo dõi tái phát
• Vật Lý Trị Liệu thực hiện.
• Tiêu chuẩn chỉ định mang giày nẹp dang bàn chân:
- Sau giai đoạn bó bột nắn chỉnh, bàn chân gập lưng đạt 200 và dang bàn chân đạt 60°.
- Sau phẫu thuật gân gót trong bao gân (đã qua 3 tuần bó bột lành mô mềm).
a. Mang giày nẹp dang bàn chân
• Giày nẹp giữ bàn chân ở tư thế dang ra ngoài 70o và bàn chân vuông góc cẳng chân.
• Thời lượng mang giày nẹp:
- Nẹp phải mang suốt ngày và đêm liên tục trong 3 tháng đầu tiên sau khi lần bột bó cuối cùng được tháo ra.
- Sau thời gian này, trẻ được mang nẹp 12 giờ vào ban đêm và từ 4 - 6 giờ vào ban ngày, tổng cộng khoảng 16 - 18 giờ/ngày. Tiếp tục mang giày nẹp cho đến khi trẻ được 3 hoặc 4 tuổi. Ở giai đoạn sau, chuyên viên VLTL sẽ quyết định thời lượng mang giày nẹp:
+ Chỉ cần mang giày nẹp vào ban đêm.
+ Hay phải mang khi ngủ đêm và cả buổi ngủ trưa trong ngày.
+ Điều này tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của mỗi đứa trẻ.
b. Theo dõi tái phát
• Dấu hiệu tái phát: giảm dang bàn chân, giảm gập lưng cổ chân, bàn chân trước bị áp và quay ngửa, gót vẹo trong khi đứng đi.
• Chỉ cần xuất hiện một trong những dấu hiệu trên và bó bột lại ngay và bắt đầu điều trị theo tiến trình như trên.

IV. ĐỀ PHÒNG TAI BIẾN VÀ CÁC LỖI ĐIỀU TRỊ THÔNG THƯỜNG KHI NẮN SỬA VÀ BÓ BỘT
• Tránh quay sấp bàn chân vì làm tăng biến dạng vòm và dẫn đến biến dạng bàn chân hình hạt đậu.
• Việc cố gắng điều chỉnh nhón gót trước khi sửa vẹo trong và quay ngửa sẽ gây ra biến dạng bàn chân lăn.
• Xoay ngoài bàn chân để điều chỉnh áp trong khi xương gót vẫn còn vẹo trong sẽ gây ra biên dạng mắt cá ngoài trượt ra sau.
• Bó bột quá ngắn không sát khớp háng, không giữ được xương gót dang.

V. THEO DÕI VÀ QUẢN LÝ TÁI PHÁT
Sau khi mang giày nẹp trẻ phải tái khám theo lịch đề nghị sau:
• Trong 3 tháng đầu: mang giày nẹp 24/24. Hẹn tái khám để kiểm tra việc tuân thủ mang giày nẹp trong 3 tháng đầu vào các thời điểm: tuần thứ 2 và tuần thứ 6 và tuần thứ 12.
• Từ tháng thứ 3: chuyển sang giai đoạn mang giày nẹp ban đêm và trong các giấc ngủ ngày.
• Tái khám mỗi 4 tháng: cho đến 3 tuổi, theo dõi tuân thủ mang giày nẹp và kiểm tra tái phát.
• Tái khám mỗi 6 tháng: cho đến 4 tuổi, theo dõi tái phát.
• Tái khám mỗi 1 hoặc 2 năm: cho đến khi bộ xương trưởng thành.

VI. QUI TRÌNH MANG GIÀY NẸP PONSETI
1. Chọn giày vừa vặn bàn chân: số đo bên trong giày = chiều dài bàn chân
2. Đo chiều rộng hai vai bằng thước dây.
3. Lắp giày vào nẹp và điều chỉnh
điều trị khoèo bẩm sinh
4. Mang giày vào chân bệnh nhân
Chuẩn bị bệnh nhân:
• BN phải được thoải mái, không khóc. Nên cho bé bú mẹ, bú bình, ngậm vú giả, mút tay hoặc cho cầm đồ chơi bé thích trong khi mang giày để bé nằm yên.
• Mang vớ vải cao tới giữa cẳng chân tránh cọ xát da, vớ được cắt nhìn thấy các đầu ngón chân để theo dõi tuần hoàn.
Mang giày:
• Nên giữ gối gập khi mang giày.
• Mang giày vào chân nặng trước, kế đến chân bị nhẹ hơn. Hoặc mang vào chân bị khoèo trước, sau đó đến chân bình thường.
• Đặt gót chân tiếp xúc sát vào góc của gót giày.
• Kiểm tra gót chân có sát gót giày chưa bằng cách nhìn qua cửa sổ bên cạnh gót giày. Nếu thấy gót chân đã sát vào đế giày là đúng.
• Cài dây cố định qua cổ chân trước, sau đó đến các quai giày ở bên ngoài.

VII. QUI TRÌNH BÓ BỘT CHÂN KHOÈO THEO PONSETI

1. Chuẩn bị bệnh nhân
• Đặt BN nằm ở một góc giường một cách an toàn.
• BN phải được thoải mái, không khóc, không kháng cự. Nên cho bé bú mẹ, bú bình, ngậm vú giả, mút tay hoặc cho cầm đồ chơi bé thích trong khi bó bột để bé nằm yên.

2. Nắn chỉnh bàn chân
Người nắn chỉnh:
• Bàn tay cố định: ngón cái đặt ngay đầu xương sên.
• Bàn tay nắn chỉnh: ngón trỏ và ngón cái cầm phía trên và phía dưới xương bàn ngón I. Quay ngửa bàn chân trước à sau đó dang bàn chân.

2. Đặt lớp lót đệm
Người bó bột:
• Quấn một lớp mỏng gòn mỡ để tạo khuôn chính xác cho bàn chân.
• Quấn gòn từ bàn chân đến dưới khoeo chân.

3. Bó bột từ bàn chân đến dưới gối
a. Người nắn chỉnh: duy trì bàn chân ở vị trí nắn chỉnh tối đa bằng cách giữ bàn chân trước và duy trì lực cố định trên đầu xương sên.
b. Người bó bột
• Bó bột bắt đầu với 3 - 4 vòng quanh ngón chân, rồi bó dần lên.
• Các vòng bột quấn trên tay của người nắn để tạo khoảng rộng cho các ngón chân.
• Quấn bột hơi căng ở các vòng trên gót chân.

4. Tạo khuôn bột
• Tạo khuôn trên đầu xương sên trong khi giữ bàn chân đã được nắn chỉnh.
• Tạo khuôn vòm bàn chân.
• Tạo khuôn phần gót.

Lưu ý:
• Động tác tạo hình khuôn: ngón tay phải di chuyển liên tục trong khi bột cứng dần.
• Tránh lực đè ép trên bất kỳ một điểm riêng lẻ nào.

5. Bó bột lên đùi
a. Người bó bột
• Quấn gòn và bó bột tiếp từ khoeo lên đùi cao tới 2/3 trên đùi.
• Bột có thể đắp thêm vài lớp mặt trước khớp gối để tăng độ chắc.
• Tránh bột quá nhiều ở hố khoeo sẽ gây đè ép vùng khoeo.
b. Người nắn chỉnh: giữ chân bé ở tư thế gập gối 90o - 100o. Giữ vững tư thế này, không để bé cử động khớp gối trong khi đang bó.

6. Cắt tỉa bột
Cắt bỏ phần bột ở mặt lưng các ngón chân cho đến các khớp bàn đốt.

HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ VÀ MANG GIÀY CHO TRẺ
1. Chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ
2. Giải thích cho cha mẹ
3. Chuần bị bệnh nhân: tư thế trẻ (nằm trên bàn/bồng trong lòng mẹ), trẻ thoải mái, không khó
4. Khám tầm vận động gập lưng cổ chân
5. Khám tầm vận động dang bàn chân
6. Đo chiều dài bàn chân bằng thước dây
7. Đo chiều rộng hai vai trẻ bằng thước dây
8. Chọn giày nẹp phù hợp
9. Điều chỉnh giày trên nẹp: dang 70o đối với CK, dang 45o đối với chân BT
10. Điều chỉnh khoảng cách giữa hai gót giày bắng chiểu rộng hai vai trẻ
11. Mang vớ vào chân trẻ cao tới giữa cẳng chân (vớ được cắt để nhìn thấy đầu các ngón chân)
12. Giữ gối trẻ gập để chuẩn bị mang giày vào chân trẻ
13. Mang giày vào một chân của trẻ
Mang từng bên: chân nặng trước-chân nhẹ sau hoặc chân khoèo trước-chân bình thường sau
14. Đặt gót chân sát vào gót giày
15. Kiểm tra gót chân có sát gót giày bằng cách nhìn qua cửa số cạnh gót giày
16. Cài dây cố định qua cổ chân nằm bên trong giày
17. Cài các dây cố định bên ngoài giày
18. Mang giày vào chân còn lại. Đặt gót chân sát vào gót giày
19. Kiểm tra gót chân có sát gót giày bằng cách nhìn qua cửa số cạnh gót giày
20. Cài dây cố định qua cổ chân nằm bên trong giày
21. Cài các dây cố định bên ngoài giày
22. Kiểm tra hai giày trên chân trẻ
23. Hướng dẫn cha mẹ cách theo dõi trẻ tại nhà khi mang giày nẹp.

 


Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG KHI LẠM DỤNG THUỐC KHÁNG SINH

Kháng kháng sinh đang trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu. Các nhà khoa học phương Tây một lần nữa đưa ra cảnh báo về thảm họa kháng kháng sinh. Theo đó, đến năm 2050, sẽ có ít nhất 10 triệu người thiệt mạng mỗi năm bởi những căn bệnh từng chữa trị được do tình trạng hầu hết các vi khuẩn kháng kháng sinh.

Những ca phẫu thuật đơn giản như mổ đẻ, mổ viêm ruột thừa cũng có thể gây tử vong. Tình trạng này sẽ xảy ra nếu con người tiếp tục lạm dụng thuốc kháng sinh kể cả khi không cần thiết.
Kháng sinh được bào chế và phân ra làm nhiều loại, nhiều nhóm, mỗi một loại kháng sinh chỉ có hiệu lực đối với một số vi khuẩn nhất định chứ không phải một loại kháng sinh tiêu diệt được hết các vi khuẩn.
Khi sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng trong thời gian bao lâu, hình thức tiêm, truyền, uống, nhỏ (mắt, mũi, tai), đặt (âm đạo, hậu môn…) hay bôi ngoài da.
Việc sử dụng kháng sinh cũng khác nhau trên các đối tượng khác nhau như trẻ em, người già, phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú v.v… Ngoài ra trên những bệnh nhân có bệnh gan, thận thì còn phải cân nhắc chọn thuốc sao cho tránh gây độc thêm cho gan và thận.
Để đưa ra một loại thuốc kháng sinh đúng chỉ định, một bác sĩ học kháng sinh mất thời gian rất lâu, chưa kể bác sĩ khám bệnh phải rất có kinh nghiệm phát hiện mức độ bệnh nặng nhẹ, vi khuẩn nào gây bệnh mới kê đơn kháng sinh. Tóm lại, dù là bác sĩ nhưng để kê đơn thuốc không dễ chút nào.

Sử dụng kháng sinh kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng

Kháng sinh được xem là nhóm thuốc ngoài tác dụng chữa bệnh còn có thể gây hại, chỉ có điều hại ít hay nhiều.
 
Các nước đã luật hoá kháng sinh để người dân thực hiện tốt việc sử dụng kháng sinh đúng cách nhằm bảo vệ sức khoẻ cho người bệnh. Tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ, tổn hại tới gan, thận và đặc biệt sử dụng kháng sinh lâu dài gây nên hiện tượng kháng kháng sinh.
Vấn đề tự ý tăng/ giảm liều lượng, tự ý cắt thuốc, tất cả cái đó bác sĩ gọi là không tuân thủ điều trị nên đại bộ phận bệnh không khỏi, có khỏi cũng chỉ do mình tự đánh giá, khỏi không hoàn toàn.
Bệnh chỉ khỏi về lâm sàng, khỏi về triệu chứng, hết ho, hết sốt nhưng không khỏi về vi khuẩn, trong cơ thể vẫn có vi khuẩn sống sót, vì còn sống sót nên bệnh tái phát có thể 1 – 2 ngày sau, 1 tuần hoặc 2 – 3 tháng sau đó. Và những vi khuẩn này sẽ trở nên đề kháng với kháng sinh, sau này sử dụng kháng sinh đó sẽ không còn tác dụng nữa.
Kháng kháng sinh cũng thường xảy ra ở rất nhiều trường hợp mà các bậc phụ huynh khi đưa con đến bệnh viện trước đó họ đều đã dùng các loại kháng sinh. Một kiểu phổ biến hiện nay mà đa số các mẹ áp dụng cho con đó là lần trước đi khám bác sĩ cho kháng sinh A, lần sau cho B. Đến lượt con ốm lần này, các mẹ sẽ đưa ra đơn thuốc rồi tự đánh giá triệu chứng sốt như thế nào, ho ra sao và áp dụng thuốc nào.
Các trường hợp này đều có “kịch bản” na ná nhau, đó là thấy con sốt, ho, sổ mũi, bố mẹ thay vì đưa con đến viện thì tự ý mua kháng sinh về cho con uống. Những lần ốm trước, họ đều tự điều trị cho con bằng cách đó, nhưng lần này uống thuốc mãi không đỡ.
Theo lời gợi ý của người bán thuốc, họ cũng đổi qua vài loại kháng sinh “tốt hơn, thế hệ cao hơn”, đồng thời cũng đắt tiền hơn. Chỉ đến khi con sốt cao, mệt lả mới đưa đến bệnh viện, làm kháng sinh đồ có cháu mới 7 – 8 tuổi đã kháng với tất cả các loại kháng sinh.
Với những ca này các bác sĩ đều rất vất vả để giành giật sự sống cho trẻ từ tay thần chết. Các bác sĩ phải thay đổi phác đồ điều trị, dùng kết hợp kháng sinh thế hệ cao hơn, liều cao hơn và chi phí đắt đỏ, tốn kém nhưng cũng có lúc trở tay không kịp, vì đã mất đi “thời gian vàng” để trị bệnh. Bác sĩ đành bất lực nhìn bệnh nhân ra đi mà không cứu được.
..
Nguồn:  http://exson.com.vn/